TIN TỨC » Kiến thức

Vợ không muốn nuôi bố mẹ già, bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Thứ hai, 17/06/2024 14:13

Trong trường hợp vợ nhất định không chịu phụng dưỡng bố mẹ già, có thể bị xử phạt và buộc phải xin lỗi công khai.

Một độc giả gửi câu hỏi về việc vợ không đồng ý nuôi bố mẹ già: "Chúng tôi đã kết hôn được 5 năm, giờ vợ tôi cứ lấy lý do không muốn nuôi bố mẹ già (trên 70 tuổi) để ra ở riêng, nếu tôi không đồng ý sẽ ly hôn. Tôi phải làm sao?".

Vợ không chịu phụng dưỡng bố mẹ già (Ảnh minh họa)

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng trả lời: Hiện nay, pháp luật quy định tòa án sẽ giải quyết ly hôn của vợ hoặc chồng nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Do đó, trường hợp của bạn, vợ bạn hoàn toàn không có căn cứ để yêu cầu giải quyết ly hôn với bạn. Bên cạnh đó, phụng dưỡng cha mẹ già cũng là bổn phận, nghĩa vụ của con cái được quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Đây là một nét văn hóa quý báu của người Việt Nam ta.

Và để bảo vệ điều này, pháp luật cũng có những chế tài xử phạt đối với hành vi bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu. Bố, mẹ là người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng nay khi bố mẹ già yếu cần điểm tựa, vợ bạn lại muốn ra ở riêng, bạn nên bình tĩnh nói chuyện, giải quyết với vợ bạn để hai người hiểu được nhau và đưa ra được phương án tốt nhất.

Căn cứ Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ngược đãi thành viên gia đình trong trường hợp sau:

Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

Tường San (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới