TIN TỨC » Kiến thức

Vừa lái xe máy, vừa sử dụng điện thoại sẽ bị xử phạt thế nào? Nặng nhất có thể bị xử lý hình sự

Thứ sáu, 17/05/2024 09:53

Điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng điện thoại di động là vi phạm Luật An toàn Giao thông Đường bộ và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn giao thông.

Theo Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2022), sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông là một lỗi sẽ bị phạt tiền. Mức phạt của lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô, căn cứ theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021) có nội dung như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người tham gia giao thông bằng xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô chạy trên đường.

- Ngoài việc phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây ra tai nạn giao thông.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, đối với người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô vi phạm lỗi sử dụng điện thoại, quy định mức phạt theo điểm h khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm g khoản 34 và điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021) sẽ là:

- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh như tai nghe có dây và tai nghe không dây, trừ thiết bị trợ thính.

- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn phải chịu áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.

Nếu trường hợp người điều khiển phương tiện xe đạp, xe đạp điện mắc lỗi, người vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng, theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019.

Ảnh minh họa.

Có thể bị xử lý hình sự

Căn cứ Điều 260 của BLHS 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì trường hợp vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với ti lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm đến 3 năm.

Vi phạm dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ từ 3 tháng đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm...

Hoàng Khuông (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới