TIN TỨC » Kiến thức

Xác thực sinh trắc học đang nóng! Bắt đầu từ tháng 7/2024, đây là những giao dịch chuyển tiền bắt buộc phải xác thực khuôn mặt

Thứ ba, 02/07/2024 11:03

Bắt đầu từ tháng 7/2024, đối với khách hàng cá nhân khi giao dịch với số tiền cụ thể dưới đây sẽ phải kiểm tra dấu hiệu sinh trắc học (khuôn mặt). Do đó, khách hàng cần xác thực sinh trắc học với ngân hàng để bảo đảm giao dịch thành công.

Sinh trắc học gồm những gì?

Sinh trắc học (biometrics) là một ngành khoa học sử dụng các đặc điểm sinh học của con người để nhận dạng và xác thực danh tính. Các đặc điểm sinh học này có thể bao gồm dấu vân tay, mống mắt, khuôn mặt, giọng nói, mẫu da,...

Sinh trắc học được ứng dụng nhiều trong thực tế. Trong đó, có thể áp dụng để kiểm soát an ninh tại các khu vực như sân bay, ngân hàng,… Bên cạnh đó, sinh trắc học còn được sử dụng để quản lý danh tính của người dùng trong các hệ thống thông tin. Ví dụ, dấu vân tay được sử dụng để đăng ký sinh viên trong các hệ thống quản lý học sinh.

Một ứng dụng khác cũng vô cùng quan trọng đó chính là dùng sinh trắc học để xác thực truy cập. Thực tế, theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, từ 1/7/2024, tất cả các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đều phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Ngoài ra, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng giá trị số tiền các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì khi đến lần chuyển tiếp theo trong cùng ngày đó cần phải xác thực bằng khuôn mặt hoặc vân tay.

Từ 1/7/2024, chuyển khoản trên 10 triệu sẽ phải xác thực sinh trắc học.

Đối với các giao dịch thanh toán hàng hóa hoặc các dịch vụ hợp pháp được tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hay bên trung gian thanh toán cung cấp hoặc tại các đơn vị có chấp nhận thanh toán do các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hoặc trung gian thanh toán sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn, thẩm định, giám sát cũng như quản lý với giá trị thanh toán trong một ngày từ 100 triệu đồng trở lên, giao dịch đó sẽ bị gián đoạn nếu chủ tài khoản không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.

Đối với giao dịch thực hiện chuyển tiền thực hiện giữa các ví điện tử hoặc nạp tiền vào ví điện tử, hoặc rút tiền từ ví điện tử mà số tiền vượt quá 20 triệu đồng cũng sẽ bị gián đoạn khi chủ tài khoản không cập nhật thực hiện xác thực sinh trắc học vân tay.

Đối với giao dịch thực hiện chuyển liên ngân hàng ra tài khoản nước ngoài, người dân buộc phải tiến hành thực hiện cập nhật xác thực sinh trắc học vân tay trong ứng dụng ngân hàng bởi nếu không thì giao dịch sẽ bị gián đoạn.

Việc áp dụng xác thực sinh trắc học được sử dụng để xác thực danh tính của người dùng khi truy cập vào các hệ thống hoặc thiết bị, trong trường hợp này là xác nhận giao dịch ngân hàng trực tuyến.

(Ảnh minh họa: Agribank)

Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi giao dịch ngân hàng lần đầu bằng Mobile Banking.

Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng khuôn mặt với mẫu đã khớp với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư.

Các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng số tiền các giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở lên, đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải bổ sung phương thức xác thực bằng khuôn mặt.

Các giao dịch chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch không quá 20 triệu đồng/ngày thì xác thực bằng mã Smart/SMS OTP như thông thường, không cần xác thực bằng khuôn mặt.

Từ ngày 1/7, khi cài thông tin người dùng sang thiết bị khác cũng phải xác thực sinh trắc học lại.

NHNN lý giải, mục tiêu của quy định này là để phòng ngừa việc thuê, mượn tài khoản. Hay nói cách khác, những tài khoản không chính chủ được mở bằng những giấy tờ giả trước đây sẽ được loại bỏ dần.

Giải thích lý do chọn hạn mức giao dịch phải xác thực sinh trắc học là 10 triệu đồng, NHNN cho biết qua rà soát giao dịch của người dùng có tới 70% tổng lượng giao dịch là dưới 1 triệu đồng, giao dịch trên 10 triệu đồng/lần chiếm không nhiều.

"Chúng ta cũng không bắt người dân là mua một chai nước, mua vé xe buýt là phải kiểm tra sinh trắc học. Nên việc quy định ngưỡng phải xác thực khuôn mặt không ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng. Mục đích duy nhất là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng", ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc NHNN nói.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietcombank)

Cách cài đặt sinh trắc để giao dịch

Để cài đặt sinh trắc học, người dân cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chip và truy cập tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng của ngân hàng phiên bản mới nhất để thực hiện cài đặt theo các bước hướng dẫn.

Bước 1: Chọn tính năng “Cài đặt sinh trắc học” trên ứng dụng di động (app) của ngân hàng.

Bước 2: Tích chọn các chức năng và nhập hạn mức tối thiểu cần xác thực bằng sinh trắc học.

Thực tế khách hàng có thể tự chọn cho mình một hạn mức nhất định dưới 10 triệu đồng nếu muốn đảm bảo hơn vệ sự an toàn cho tài khoản.

Bước 3: Chụp hai mặt của CCCD gắn chip.

Bước 4: Đọc thông tin trên CCCD theo hướng dẫn.

Bước 5: Chụp ảnh khuôn mặt để hoàn tất cài đặt.

Ngoài ra, người dân cũng có thể trực tiếp đến các điểm giao dịch của ngân hàng nơi mở tài khoản để được hướng dẫn cài đặt.

Sau khi đã thực hiện cài đặt sinh trắc học, kể từ ngày 1/7, nếu giao dịch thuộc diện phải xác thực theo quy định, người dân sẽ phải thực hiện 3 bước giao dịch xác thực bằng sinh trắc học trên ứng dụng di động của ngân hàng (app).

Bước 1: Nhập các thông tin giao dịch như thông thường (số tiền, thông tin người nhận, ngân hàng nhận…)

Bước 2: Áp dụng với các giao dịch vượt ngưỡng theo quy định của NHNN, ứng dụng sẽ bật camera điện thoại để xác thực hình ảnh khuôn mặt của khách hàng.

Bước 3: Nhập mã Smart/SMS OTP để hoàn tất giao dịch.

Lưu ý: Hướng dẫn trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể có khác biệt tùy theo từng ứng dụng của từng ngân hàng. Người dùng nên tham khảo kỹ hướng dẫn của ngân hàng mà mình sử dụng dịch vụ.

Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới