TIN TỨC » Kiến thức

Xe máy, ô tô phải bật xi nhan trước khi rẽ bao nhiêu mét? Có bắt buộc bật xi nhan khi dừng xe không?

Thứ ba, 30/07/2024 13:24

Sử dụng xi nhan khi tham gia giao thông là điều mà nhiều người điều khiển phương tiện thực hiện hàng ngày. Nhưng quy định về việc bật đèn xi nhan để tránh bị phạt thì không phải ai cũng biết.

Khi tham gia giao thông, việc hiểu luật là rất quan trọng. Bởi trang bị kiến thức đầy đủ sẽ giúp bạn phòng ngừa được rủi ro và tránh bị xử phạt. Một thắc mắc mà nhiều người điều khiển phương tiện hay gặp phải là quy định về sử dụng xi nhan. Cụ thể như: Phải bật xi nhan trước khi rẽ bao nhiêu mét? Có bắt buộc bật xi nhan khi dừng xe không?

Dừng xe có phải bật xi nhan không?

Đèn xi nhan là một thành phần rất quan trọng trên xe máy cũng như xe ô tô. Công dụng chính của đèn xi nhan hay còn gọi là đèn báo rẽ là để báo hiệu cho các phương tiện cùng tham gia lưu thông biết được chúng ta chuẩn bị rẽ hướng.

Ngoài ra, đèn xi nhan còn được sử dụng trong trường hợp xin vượt, chuyển làn, cảnh báo nguy hiểm… Việc sử dụng đèn xi-nhan đúng cách không chỉ giúp đảm bảo an toàn cho bản thân người lái xe, mà còn hạn chế va chạm với những người lưu thông cùng. Không bật đèn xi nhan đúng là điều rất không nên và cần tạo thói quen cho hành động này.

Màu đèn xi nhan truyền thống và gần như là mặc định trên xe máy và ô tô là màu vàng. Tuy nhiên có một số hãng xe ô tô sử dụng màu đỏ cho đèn xi-nhan trên vài mẫu xe của mình. Ngoài ra thì một số bạn trẻ còn độ lại mà đèn xi-nhan, việc này có thể gây rối cho người tham gia giao thông.

Dừng xe có phải bật xi nhan hay không? (Ảnh minh họa).

Trước khi Nghị định 100 ra đời, Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định một số trường hợp lái xe phải sử dụng tín hiệu báo như khi chuyển làn đường; vượt xe; chuyển hướng xe; lùi xe; dừng xe, đỗ xe.

Như vậy, trong các trường hợp sau, lái xe bắt buộc phải bật xi nhan nếu không muốn bị “tuýt còi”: Chuyển làn đường; Chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức).

Riêng với ô tô, trường hợp lùi xe, dừng xe, đỗ xe cũng là những trường hợp bắt buộc phải bật xi nhan. Tài xế điều khiển ô tô nên lưu ý điều này.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Cục Cảnh sát giao thông, tài xế nên bật đèn xi nhan để báo hiệu cho phương tiện khác khi: Khi đi qua vòng xuyến; Khi đi theo đường cong ;Khi lùi vào ngõ; Khi đi qua ngã ba chữ Y.

Những trường hợp này, người điều khiển phương tiện bật xi nhan sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người khác. Nếu không bật cũng không bị xử phạt.

Ngoài ra, trong quá trình tham gia giao thông để đảm bảo an toàn, Cục Cảnh sát giao thông khuyến nghị nên bật đèn xi nhan trong các trường hợp sau:

Khi đi qua vòng xuyến: Bật xi nhan theo nguyên tắc “vào trái, ra phải” – khi vào vòng xuyến thì xi nhan trái, khi ra khỏi vòng xuyến thì xi nhan phải.

(Ảnh minh họa)

Khi đi theo đường cong: Người điều khiển phương tiện giao thông đi vào đường cong (không phải ngã rẽ, chuyển hướng, chuyển làn) nên bật đèn tín hiệu báo rẽ.

Trường hợp thấy an toàn, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông phía sau hoặc chiều ngược lại, không bắt buộc phải bật đèn tín hiệu.

Khi lùi vào ngõ: Nên bật tín hiệu vì tầm quan sát của người lái xe hạn chế, khó điều chỉnh hướng xe và để tạo thuận lợi cho những phương tiện khác di chuyển.

Đi qua ngã 3 chữ Y: Nếu có biển báo ngã rẽ thì bật đèn tín hiệu như bình thường. Nếu không có biển báo mà đi thẳng theo nhánh bên phải (từ chân chữ Y lên) thì không cần xi nhan.

Tóm lại, trường hợp dừng xe thì không bắt buộc phải bật xi nhan.

Quy định phải bật xi nhan trước khi rẽ bao nhiêu mét?

Hiện nay trong các quy định của luật giao thông không có quy định rõ ràng khoảng cách cần bật trước đèn xi nhan cụ thể là bao nhiêu khi thực hiện rẽ hay chuyển hướng,…Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong khoảng cách lưu thông, người điều khiển phương tiện có thể căn cứ theo giáo trình đào tạo lái xe ô tô thì tín hiệu báo trước hướng rẽ nên bật trước với khoảng cách 30 mét sẽ đảm bảo an toàn nhất. Còn đối với xe máy, khoảng cách nên giao động từ 10-15 mét.

(Ảnh minh họa)

Còn trường hợp người tham gia giao thông bật đèn xi nhan với khoảng cách lớn hơn mặc dù không phạm luật nhưng sẽ gây cản trở cho những người khác trên đường hoặc bật xi nhan ở khoảng cách ngắn hơn, mang tính chất đột ngột thì những người điều khiển phương tiện xung quanh sẽ không kịp nhường đường cho xe của bạn.

Vì vậy, đặc biệt khi tham gia điều khiển xe máy, ô tô trong thành phố những nơi có dân cư đông đúc, người lái xe nên đảm bảo bật đèn xi nhan khi có ý định chuyển hướng trước khoảng 30 mét là hợp lý và đảm bảo an toàn nhất.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới