Trong đợt nghỉ Tết Dương lịch 2024 (30/12/2023 đến 1/1/2024), CSGT toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.598 trường hợp vi phạm; phạt tiền 58 tỷ 178 triệu đồng; tạm giữ hơn 10.000 phương tiện các loại, trong đó có 315 ô tô, 9.594 mô tô, 105 phương tiện khác và tước 5.269 giấy phép lái xe các loại.
Nhưng nếu chỉ phạm những vi phạm dưới đây sẽ không bị xử phạt:
Xe máy không có gương chiếu hậu bên phải
Có đủ gương chiếu hậu là một trong những điều kiện đảm bảo cho ô tô, xe máy được phép tham gia giao thông (theo điểm e khoản 2 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008). Nếu vi phạm quy định này, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100 – 200 nghìn đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng. Chính vì vậy, người điểu khiển xe máy không có gương chiếu hậu bên phải sẽ không bị xử phạt.
Xe máy phạm những lỗi này chỉ bị nhắc nhở, CSGT không xử phạt (Ảnh minh hoạ)
Đi xe máy bằng một tay
Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nghiêm cấm người điều khiển xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy thực hiện hành vi buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe 2 bánh, bằng 2 bánh đối với xe 3 bánh.
Nhưng với những hành vi như: buông cả 2 tay khi lái xe máy là hành vi vô cùng nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Chính vì vậy, người vi phạm bị xử phạt rất nặng theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức 6 – 8 triệu đồng đối, tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Trong khi đó, hành vi đi xe máy bằng một tay cũng rất nguy hiểm nhưng lại không có điều khoản nào đặt ra mức phạt. Do vậy, việc đi xe máy bằng 1 tay sẽ không bị xử phạt mà sẽ bị nhắc nhở.
Đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai
Khoản 3 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đều nghiêm cấm người điều khiển xe máy, xe đạp đi xe dàn hàng ngang. Nếu vi phạm, người điều khiển xe máy, xe đạp sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019/NĐ-CP lại chỉ quy định về mức phạt đối với xe đạp, xe máy đi dàn hàng ba trở lên. Cụ thể: Đi xe máy dàn hàng ngang từ 3 xe trở lên: Phạt từ 100 – 200 nghìn đồng. Đi xe đạp dàn hàng ngang 3 xe trở lên: Phạt từ 80 – 100 nghìn đồng.
Quy định hiện hành chưa có mức phạt cụ thể dành cho hành vi đi xe dàn hàng hai. Điều này đồng nghĩa rằng hành vi đi xe đạp, xe máy dàn hàng hai sẽ không bị xử phạt vi phạm giao thông.
Vượt đèn đỏ khi có sự cho phép của CSGT
Hành động vượt đèn đỏ là vi phạm luật an toàn giao thông và sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu bạn vượt đèn đỏ khi có chỉ thị của CSGT điều khiển thì hoàn toàn không bị phạt. Bởi trong tình huống này mọi sự chỉ thị của CSGT giao thông là quan trọng nhất. Bạn hoàn toàn có thể vượt đèn đỏ mà không lo bị xử phạt hành chính.
Kẹp 3 nhưng có đèo trẻ dưới 12 tuổi
Xe máy kẹp 3 là vị phạm luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt. Nhưng nếu bạn đèo 3, kẹp 3 nhưng có trẻ nhỏ dưới 12 tuổi thì sẽ chỉ bị nhắc nhở và không bị xử phạt. Bởi vậy, trong tình huống này bạn hãy cùng tiếp tục di chuyển và không cần phải lo lắng.