Kinh tế thể thao được xem là một bộ phận của nền kinh tế quốc dân khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiểu theo nghĩa rộng, đây là ngành học bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động thể dục thể thao (tập luyện, thi đấu,…) và gián tiếp phục vụ hoạt động thể dục thể thao (sản xuất, cung cấp các dịch vụ liên quan).
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, ngành kinh tế thể thao đóng góp khoản thuế không nhỏ vào ngân khố quốc gia. Tại Mỹ, thống kê cho thấy, lĩnh vực kinh tế thể thao đã đóng góp tới hơn 2,5 GDP hàng năm.
Kinh tế thể thao học là ngành học mới trong mùa tuyển sinh 2024 (Ảnh minh họa).
Còn tại Việt Nam, theo ông Mai Bá Hùng - Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, thị trường đang rất cần các chương trình, dự án thúc đẩy kinh tế thể thao phát triển. Để làm được điều này, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc cần xây dựng nguồn nhân lực kinh tế thể thao chất lượng cao. “Kinh tế thể thao là ngành học đón đầu xu thế nhu cầu về nguồn nhân lực của các thị trường kinh tế trong thể dục thể thao ở Việt Nam”, ông chia sẻ.
Theo số liệu của Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, đến năm 2025, nhân lực toàn ngành Thể thao trên cả nước cần được bổ sung 3.658 người. Đến năm 2030 nhân lực toàn ngành Thể thao cần bổ sung 4.342 người.
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh – Phó viện trưởng Trung tâm đào tạo ngắn hạn, Trưởng Ban dự án mở ngành Kinh tế Thể thao của Trường ĐH Hoa Sen cũng nhận định, hiện trong nước đang rất thiếu đội ngũ chuyên gia kinh tế thể thao nên chưa nhận thấy thể thao là mũi nhọn để khai thác khía cạnh kinh tế.
Ngành Kinh tế thể thao học gì, ở đâu?
Theo tìm hiểu, những năm gần đây, một số trường tư thục bắt đầu mở ngành, chuyên ngành liên quan đến kinh tế thể thao. Đơn cử như năm 2021, trường Đại học Hoa Sen mở ngành Kinh tế thể thao với điểm chuẩn 16,0. Đến năm 2023, Kinh tế Thể thao trở thành ngành có điểm chuẩn cao nhất trường là 19.0; các ngành còn lại điểm chuẩn 15-16. Điều này cho thấy sức hút lớn từ ngành đối với các bạn trẻ.
Theo đó, ngành Kinh tế thể thao tại trường Đại học Hoa Sen có 3 chuyên ngành: Quản lý các loại hình kinh doanh thể thao; Quản lý Chăm sóc sức khỏe; Quản trị truyền thông và Marketing thể thao. Mục đích nhằm đào tạo ra các cử nhân có năng lực, chuyên môn cao về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các loại hình thể thao hiện đại; cách thức vận hành và quản lý trong lĩnh vực kinh tế thể thao; vận dụng kỹ năng liên quan đến quản trị, tiếp thị, tài chính và kinh tế trong các lĩnh vực kinh doanh thể thao.
Tương tự, năm 2022, Đại học Đại Nam mở Ngành Quản lý Thể dục thể thao - Chuyên ngành Kinh tế & Marketing thể thao. Điểm chuẩn là 15,0 đối với hình thức phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 18,0 đối với phương thức xét kết quả học tập lớp 12 THPT. Năm 2023, điểm trúng tuyển ngành này vẫn giữ nguyên.
Sinh viên theo đuổi ngành này sẽ được đào tạo kiến thức, kỹ năng và phương pháp quản lý thể dục thể thao thông qua các nội dung chuyên sâu về kinh tế thể thao, marketing thể thao, du lịch thể thao, đàm phán thể thao…
(Ảnh minh họa)
Mức lương
Ngoài ra, một số trường đại học mở ngành Quản lý Thể dục thể thao như Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (năm 2023 điểm chuẩn 18.7), Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng (năm 2023 điểm chuẩn 14.5), Đại học Tôn Đức Thắng - Chuyên ngành kinh doanh thể thao và tổ chức sự kiện (năm 2023 theo phương thức xét tuyển theo kết quả học tập THPT – Đợt 2 là 33,0). Các ngành học này tuy không chuyên sâu và tách biệt theo hướng kinh tế thể thao nhưng cũng đào tạo nhiều khía cạnh về kinh doanh, tổ chức thể thao.
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh chia sẻ thêm, sinh viên theo ngành Kinh tế thể thao sau khi tốt nghiệp sẽ có cơ hội lập nghiệp rõ ràng như: Thực hiện tổ chức các sự kiện doanh nghiệp, lễ hội…; phát triển kinh doanh du lịch thể thao, thể thao giải trí; quản lý CLB thể thao ở các trường quốc tế và trường đại học; giám đốc kinh doanh thể thao; chuyên viên tổ chức hoạt động thể dục thể thao tại các cơ sở, câu lạc bộ cấp quận/huyện trên cả nước…
Công tác tại các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thể dục thể thao; trường học; trung tâm thể dục thể thao… Ngoài ra, nhiều vị trí, cơ hội làm việc hấp dẫn khác tại các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội thể thao hay resort, khách sạn, các công ty truyền thông, sự kiện.
(Ảnh minh họa)
Tại Mỹ, mức lương trung bình của nhân viên làm việc trong lĩnh vực kinh doanh thể thao dao động từ 91,000$ đến 252,000 $/năm tùy vị trí, kinh nghiệm và cấp bậc. Còn tại Việt Nam, sinh viên mới tốt nghiệp có thể kiếm được tới 20 triệu đồng/tháng với các vị trí công việc thuộc lĩnh vực Kinh tế thể thao như: Phát triển kinh doanh mô hình CLB; tổ chức giải đấu thể thao nghiệp dư và chuyên nghiệp; phát triển kinh doanh du lịch thể thao, thể thao giải trí;...
Để đạt được mức lương kỳ vọng như vậy, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, sinh viên cần nắm chắc kiến thức chuyên sâu, phát triển các kỹ năng về quản lý và kinh doanh trong lĩnh vực thể thao hiện đại. Bên cạnh đó, việc rèn luyện thái độ nghề nghiệp chuyên nghiệp cũng góp phần giúp sinh viên sớm thành công trong lĩnh vực này.