TIN TỨC » Kiến thức

Ý nghĩa của tục lệ thả cá chép ngày ông Công ông Táo và những lưu ý gia chủ cần biết khi thả cá

Thứ tư, 22/01/2025 10:30

Thả cá chép phóng sinh là việc mang nhiều ý nghĩa trong ngày ông Công ông Táo. Tuy nhiên việc thả cá như thế nào cho đúng là điều không phải ai cũng biết.

Ý nghĩa tục lệ thả cá chép ngày ông Công ông Táo

Theo truyền thống, cứ đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng để đưa tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. Trong ngày này, cá chép là vật cúng không thể thiếu bởi nhiều người tin rằng, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo về chuyện làm ăn, cư xử của gia đình trong năm vừa qua.

Có ý kiến cho rằng, cá chép là một trong ba thứ Tam sinh, tượng trưng cho phú quý, tài lộc. Vì vậy thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp hàng năm giúp đem vinh hoa, lộc vận đến với gia đình.

Còn theo quan niệm dân gian, thả cá chép còn sống trong chậu nước với mong muốn là cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng. Từ xa xưa, rồng vốn được coi là loài vật linh thiêng, có khả năng hô mưa gọi gió nên sẽ mang đến ích lợi to lớn cho cư dân vùng nông nghiệp lúa nước. Không chỉ vậy, cá vượt vũ môn còn tượng trưng cho tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền bỉ không biết mệt mỏi để đi tới thành công.

Ngoài ra, cá chép còn là biểu tượng cho sự phát triển cùng khả năng sinh sôi vô cùng lớn. Thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực, mong cầu sự sinh sôi, phát triển của người Việt từ xưa đến nay.

Sau lễ cúng ông Công ông Táo, cá chép sẽ được "phóng sinh" bằng cách thả ra ao hồ, sông suối quanh khu vực gia đình sinh sống.

Những lưu ý khi thả cá chép ngày ông Công ông Táo

Người Việt quan niệm rằng, vào ngày ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu trời sau một năm trông coi, cai quản dưới hạ giới.

Vì vậy mâm cơm cúng được thực hiện để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để các gia đình sum họp, đoàn viên. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cỗ chay hoặc mặn.

Mâm cơm cúng Táo quân thường có các món ăn thuần Việt như giò, chả, gà luộc, xôi... hoa tươi, hoa quả.

Điểm đặc biệt nhất của lễ cúng này là bên cạnh mâm cơm, người Việt thường chuẩn bị thêm 2 hoặc 3 con cá chép thả trong chậu nước. Sau khi cúng xong, người dân sẽ đem phóng sinh ở sông, ao, hồ... với quan niệm để đưa ông Táo về trời.

Về tục lệ này, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho biết:

"Theo tín ngưỡng dân gian, sau khi cúng bái xong, cá chép được mang ra thả ở sông, hồ đưa các Táo lên Thiên đình báo cáo để Thiên đình định đoạt công tội cho tất cả loài người.

Tuy nhiên, theo giáo lý nhà Phật, hành động thả cá chép mang ý nghĩa phóng sinh. Phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam".

Thả cá, đừng thả túi nilon.

Nhưng việc thả cá chép ngày ông Công ông Táo cũng phải đúng cách để đảm bảo ý nghĩa của tục lệ này.

Gia chủ nên chọn những chú cá còn khỏe mạnh, khi chạm nhẹ tay vào mặt nước trong chậu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh.

Cá chép mang về nhà phải để trong một chiếc bát sạch, dùng nước sạch đổ vào tạo môi trường cho cá bơi.

Sau lễ cúng ông Công ông Táo được tiến hành trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp, gia chủ hạ lễ, hóa vàng và mang cá chép đi phóng sinh.

Người thả cá cần chọn những ao, hồ nước sạch, không ô nhiễm. Khi thả, chúng ta không nên đứng trên cao đổ hay ném cá xuống. Làm như vậy, cá có thể bị chết khi chạm mặt nước.

Thay vào đó, người thả phải chọn chỗ mép nước gần, nhẹ nhàng nghiêng bát hoặc túi để cá tự quẫy, bơi vào dòng nước.

Thả cá xong, chúng ta nên lưu lại một chút xem cá đã bơi đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt không thể bơi ra giữa dòng.

Tuyệt đối, người dân cần tránh việc thả cá cùng túi nilon xuống ao, hồ… để không làm ô nhiễm môi trường.

*Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới