TIN TỨC » Kiến thức

Ý nghĩa ngày giỗ là gì?

Chủ nhật, 17/11/2024 05:38

Theo phong tục của người Việt Nam, ngày giỗ mang ý nghĩa gì?

Ý nghĩa ngày giỗ

Cúng giỗ còn gọi là cúng quải, là tên gọi chung cho các hoạt động cúng cơm Tổ tiên, ông bà, cha mẹ… kể từ sau khi người đó qua đời.

Ngày cúng giỗ là ngày con cháu bày tỏ tấm lòng thương xót, tưởng nhớ và thể hiện đạo hiếu tới người đã khuất.

Ý nghĩa của phong tục cúng giỗ là để nhắc nhở con cháu về những phẩm chất tốt đẹp của người đi trước và gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xóm, ngành nghề…

Ngoài để tưởng nhớ người đã mất, ngày giỗ còn là dịp để gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình.

3 ngày giỗ quan trọng nhất

- Giỗ đầu: Là ngày giỗ đầu tiên cách ngày người đó mất đúng một năm, nằm trong kỳ tang chế. Thời gian một năm chưa đủ để làm vơi đi sự đau buồn, xót xa trong lòng người thân. Trong ngày này, những người chịu tang vẫn phải mặc đồ tang phục và tỏ rõ sự bi ai, sầu thảm.

- Giỗ hết: Là ngày giỗ sau 2 năm người mất, vẫn nằm trong kỳ tang chế. Thời gian 2 năm cũng vẫn chưa đủ để người thân vơi đi nỗi buồn nên giỗ này vẫn được tổ chức trang nghiêm và người chịu tang vẫn mặc tang phục.

- Giỗ thường: Sau 3 năm người mất, người ta tổ chức giỗ thường (hay còn gọi là giỗ lành). Trong ngày giỗ này, mọi người cũng đã nguôi ngoai sự buồn đau nên có thể mặc thường phục.

Theo nghi tiết thế gian thì ngày giỗ ai đó thường chỉ kéo dài tới hết năm đời vì lúc đó vong linh của người quá cố đã siêu thoát, đầu thai sang kiếp mới nên không làm lễ cúng giỗ nữa.

Cúng giỗ tùy theo hoàn cảnh và khả năng kinh tế nên không nhất thiết phải làm quá linh đình, nhà nghèo chỉ cần giữ đạo hiếu với Tổ tiên là được.

Lễ quan trọng trong những ngày cúng giỗ

Trong một kì giỗ, người ta thường tiến hành hai lễ quan trọng là:

Lễ tiên thường

Còn được gọi là ngày cúng cáo giỗ, cúng trước ngày người quá cố qua đời. Trong ngày này, con cháu trong nhà sẽ làm lễ dâng hương mời với những người đã khuất hôm sau về hưởng giỗ. Đồng thời cũng là ngày xin phép Thổ Công Thổ Địa cho phép các vong hồn trở về cùng con cháu. Vào những ngày Cáo giỗ, những người trong gia đình sẽ ra mô người đã khuất để làm lễ, vừa là thăm viếng sửa sang phần mộ, vừa là để dâng hương mời trực tiếp vong linh người thân, cáo thỉnh thần linh thổ địa cai quản phần đất mộ, cho phép vong linh thân nhân về hưởng giỗ.

“Tiên thường” có nghĩa là nếm trước. Từ xưa, ý nghĩa lễ tiên thường chính là để con cháu sắm sửa một ít lễ vật để dâng cúng cho gia tiên nếm trước và thường được cúng vào buổi chiều ngày hôm trước. Ngày nay, các gia đình thường lau dọn bàn thờ vào sáng sớm, bày biện mâm lễ để chuẩn bị cho việc cúng bái dâng hương vào buổi chiều. Khi mà nhịp sống hiện đại đang trở nên nhộn nhịp, lễ tiên thường được tổ chức giản dị đi nhiều. Trên bàn thờ chủ yếu bày biện mâm hoa trái, hương nhang, trầu cau, rượu nước và một số vật phẩm chay tịnh như oản, xôi chè... Trong lễ tiên thường của ngày cúng giỗ, chủ lễ phải cúi xin khẩn có Linh thần Thổ Địa trước, rồi mới khấn xin gia tiên. Và sau khi dâng lễ, bàn thờ phải duy trì đèn nhang hương khói cho đến hết lễ chính kỵ.

Lễ tiên thường chỉ được áp dụng đối với giỗ trọng tức giỗ của những người anh em họ hàng trên hoặc ngang hàng trưởng gia như cụ, kỵ, ông bà, bố mẹ, anh chị em…

Lễ chính kỵ

Còn được gọi là chính giỗ, là ngày mất của người quá cố. Theo quan niệm xưa, trong ngày này trên bàn thờ phải có bát cơm úp và một quả trứng luộc kèm gia vị. Ý nghĩa của việc này là thể hiện sợi dây tình cảm của người đang sống đối với người đã mất bằng lòng kính trọng và tiếc thương. Theo học thuyết Âm Dương, ở bát úp, phần chìm dưới thuộc Âm, phần nổi trên thuộc Dương. Tương tự với quả trứng luộc cũng vậy, lòng đỏ bên trong thuộc Âm, lòng trắng bên ngoài thuộc Dương. Ngoài ra, quả trứng còn mang ý nghĩa mầm sống, thể hiện nguyện ý con cháu sẽ mãi tiếp tục kế thừa, nối dõi và phát triển, luôn luôn ghi nhớ công ơn sinh thành của ông bà, tổ tiên.

Tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi gia đình mà lễ chính kỵ sẽ tổ chức linh đình hay giản dị. Việc thắp hướng cúng khấn phải là từ tâm, từ lòng thành kính của con cháu đối với những người đã khuất. Việc cúng bái và dâng hương phải được thực hiện chỉnh tề, có phép tắc. Khác với lễ tiên thường, trong lễ chính kỵ, gia chủ cần phải khấn mời vong linh người được hưởng giỗ trước, tiếp theo đến mời gia tiên nội ngoại từ bậc cao nhất đến bậc thấp nhất, sau đó mới cáo thỉnh Gia thần về hưởng lễ.

Khách đến dự lễ thì đặt đồ lễ lên bàn thờ, thắp hương nén hương và vái 3 lần, sau đó đọc văn khấn, tiếp đến vái thêm 4 lần nữa. Sau khi hết 3 tuần hương, gia chủ chỉ cần đứng trước bàn thờ vái 3 lần để tạ lễ rồi lấy đồ đem đi hóa. Sau khi hạ lễ, gia chủ mời khách khứa và mọi người thụ lễ.

Lễ chính kỵ phải cúng vào buổi sáng của ngày mất người đã khuất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh thời gian và điều kiện của nhiều gia đình nên có khi ngày cúng giỗ được thực hiện sớm một hai ngày hoặc cúng vào buổi chiều để con cháu trong nhà có thể tập trung đông đủ. Vào sáng ngày chính giỗ, người ta chỉ thắp hương để tưởng nhớ ngưới đã khuất và yết cáo Tổ Tiên, Thần Phật.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới