Không phải chỉ riêng những cuộc thi hoa hậu mới đòi hỏi khả năng ứng xử tuyệt vời của các thí sinh, đời sống công sở cũng vậy. Vốn là môi trường phức tạp và lắm thị phi; ngặt một nỗi, đều đặn mỗi ngày, chị em văn phòng phải tiếp xúc trực tiếp với vô vàn kiểu người từ sếp cho đến đồng nghiệp, khách hàng cũng như đối tác. Những kiểu người khác nhau sở hữu những nét tính cách khác nhau, do đó đòi hỏi chúng ta có những phương pháp giao tiếp đặc trưng và chẳng có một mẫu số chung nào dành cho tất cả.
Dù thích, dù không, người thành công là người luôn biết tỏ ra nhã nhặn cũng như linh hoạt trong từng tình huống giao tiếp. Điều này không những thể hiện kỹ năng cũng như sự tinh tế của người nói mà còn phần nào cho thấy khả năng ứng biến linh hoạt mà chỉ những trải nghiệm thực tế mới có thể mang lại. Nếu đã và đang gặp vấn đề "khó xử" trong cung cách giao tiếp và điều này phần nào làm khó chị em trong công việc, hãy cùng nhau điểm qua một số "chiêu" trong cẩm nang ứng xử nơi công sở:
1. Tự đối thoại tích cực với bản thân
Ngày bé, khi còn cắp sách đến trường, trước mỗi kỳ thi, để đạt được kết quả tốt, chúng ta cần phải ôn tập rất kỹ. Khi lớn lên cũng vậy, mọi chuyện vẫn không hề thay đổi, phàm muốn làm tốt việc gì, cần phải chuẩn bị và rèn luyện thật kỹ trước. Câu chuyện giao tiếp ứng xử cũng vậy; muốn có thể tích cực được với đối phương, chị em hãy thử tự nói chuyện một cách thật tích cực với bản thân, đều đặn hàng ngày. Hãy luôn nói với bản thân và tâm niệm mình là một cá thể tích cực để có thể làm được điều đó.
2. Tỉnh táo
Đời sống công sở buộc chị em phải tiếp xúc với vô vàn những kiểu người và va chạm là vấn đề vô cùng dễ xảy ra. Tuy nhiên, nếu phần lỗi là ở mình thì chưa cần nói, nhưng sẽ thế nào nếu đối phương cứ liên tục làm chúng ta "sôi máu". Dẫu biết sẽ rất khó, nhưng yếu tố đầu tiên và tiên quyết chính là phải giữ được sự bình tĩnh cho bản thân, bởi chỉ khi đầu óc tỉnh táo, chúng ta mới có thể dễ dàng cân nhắc, đánh giá tình huống và có biện pháp xử lý phù hợp.
Hãy dành chút thời gian để viết ra giấy (hoặc ít nhất là nghĩ trong đầu) những vấn đề giữa 2 người và tìm ra giải pháp để giải quyết. Kết quả là chị em sẽ bình tĩnh hơn và tập trung hơn. Hãy nhớ rằng không có kẻ khó chịu nào đáng để chúng ta tức giận.
3. Sử dụng những từ quyết đoán
Hãy đảm bảo rằng những cuộc đối thoại luôn đơn giản và tập trung, quyết đoán và giữ vững lập trường.
4. Sử dụng từ "câu giờ"
Tranh luận không phải là chuyện đơn giản và chắc hẳn rất nhiều người trong số chúng ta không có khả năng cũng như kinh nghiệm để có thể phản ứng nhanh.
Giải pháp trong trường hợp này chính là dùng những từ ngữ như "chà", "à"… để có thêm vài giây suy nghĩ trước khi đưa ra những tranh luận bình tĩnh và quyết đoán nhất. Đó cũng là cách hay để đáp lại những chỉ trích không công bằng. Hãy nhớ sử dụng mẹo này cho những lần tranh luận tiếp theo.
5. Xây dựng quan hệ với cấp dưới
Người có lộ trình thăng tiến nhanh là người có thể xây dựng cho bản thân mình một đội ngũ bền vững những cấp dưới giàu năng lực và nhiệt tình. Họ là những cộng sự đắc lực trong việc giúp chị em có thể hoàn thành những công việc, những dự án quy mô lớn mà cấp trên giao phó.
Hãy tạo thêm cho họ niềm tin, động lực và nguồn cảm hứng để họ có thể hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất trong phạm vi năng lực. Tránh mắng nhiếc, quát tháo, lớn tiếng hay đổ lỗi bởi những thứ đó chỉ khiến bạn tệ hơn trong cung cách ứng xử và đánh mất nhiều tình cảm từ những người cộng sự đắc lực.
6. Lắng nghe tích cực
Những người hay chê bai và phàn nàn thì tệ thật nhưng không phải họ không có cái lý của bản thân họ. Đôi khi, thay vì chỉ trích và lờ đi, chị em cũng nên lắng nghe một cách tích cực ý kiến của những người này.
Sau khi nghe, hãy suy xét và tự hỏi bản thân mình xem nên sửa đổi gì từ những chỉ trích đó hay không? Liệu có hướng giải quyết nào không? Liệu bản thân mình có thể thay đổi để mọi chuyện suôn sẻ hơn được không?
7. Hãy tự tin
Hãy tỏ ra tự tin, thông qua ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng ánh mắt hoặc biểu hiện khuôn mặt. Quan trọng là, dù bạn già hay trẻ, là người mới hay người cũ thì bạn cũng phải luôn ủng hộ những cái mà bạn biết là đúng đắn và tốt đẹp.
8. Hạn chế "tán gẫu" quá nhiều nơi công sở
Mãi tán gẫu trong giờ làm chưa bao giờ là hành động được đánh giá cao. Không quá lạm dụng chúng, đặc biệt việc tán gẫu quá nhiều sẽ làm bạn mất điểm trong mắt sếp và khiến cho đồng nghiệp ngán ngẩm. Đừng biến mình thành "bà tám" công sở trong khi chị em còn một núi công việc cần giải quyết.Chúng ta chỉ nên đưa ra những tình huống trò chuyện khi cần thiết hoặc những lúc rảnh rỗi.
9. Đừng tìm tới sếp trừ khi không còn cách nào khác
Khi có vấn đề trong giao tiếp với đồng nghiệp hay khách hàng, đừng tìm gặp trực tiếp sếp ngay lập tức nếu chưa thử tự mình cân nhắc cách xử lý. Chị em có thể sẽ trở thành một mục tiêu dễ bị tấn công và sẽ chẳng học hỏi được điều gì. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc sử dụng các kỹ năng để xử lý tình hình. Hãy nhớ rằng dù mọi chuyện có tệ đến mức nào thì cuối cùng, mọi xung đột cũng sẽ chấm dứt.