TIN TỨC » Làm sao

Bạn có năng lực, vì sao không được sếp coi trọng?

Thứ sáu, 15/02/2019 11:36

Bạn có năng lực, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình nhưng sếp vẫn không đánh giá cao bạn? Đó là cảm giác mà rất nhiều người đã từng nếm trải. Theo Trưởng phòng Nhân sự CareerLink, nếu đang ở trong tình trạng này, bạn thử xem lại bản thân mình liệu có đang phạm phải những sai lầm sau hay không.

Cập nhật thông tin tuyển dụng việc làm mới nhất tại Careerlink

Bạn không quan tâm đến người khác

Nhiều người đến cơ quan chỉ chăm chăm làm công việc của mình mà không quan tâm đến đồng nghiệp hoặc các hoạt động tập thể. Nếu bạn cứ giữ thái độ khép kín với mọi người, không tỏ ra thiện chí hoặc không muốn giúp đỡ người khác, có thể bạn sẽ bị đánh giá là vô cảm, ích kỷ.

Những người lãnh đạo luôn mong muốn có một tập thể làm việc ăn ý và đoàn kết, sự “tách biệt” của bạn sẽ một trong những nguyên nhân khiến bạn không được đánh giá cao.

Bạn quá “khôn lỏi”

Luôn giành phần lợi thế về mình, sử dụng nhiều thủ thuật để “dìm hàng” đồng nghiệp và nâng mình lên, bạn khiến người xung quanh khó chịu và dè chừng. Bạn cũng thường tranh thủ lấy lòng cấp trên bằng cách nịnh nọt, thiếu chân thành. Đừng nghĩ bạn có thể qua mặt được sếp. Trước khi ở vị trí lãnh đạo, sếp của bạn cũng đã từng là nhân viên và họ có nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các kiểu người khác nhau ở môi trường công việc.

Bạn có thể vẫn được giữ lại công ty vì bạn có năng lực, nhưng cấp trên sẽ không giao những nhiệm vụ quan trọng cho một người với tính cách “khôn lỏi” như bạn.

Bạn hay than vãn

Bạn là kiểu người có cái nhìn tiêu cực về mọi thứ. Khi có việc gì xảy ra ngoài ý muốn, bạn không ngừng kêu ca, than phiền. Bạn có thể là người có thâm niên trong nghề nhưng thiếu nhiệt huyết. Bạn hay lo lắng thái quá, không bao giờ ủng hộ những ý tưởng táo bạo trong công việc.

Chắc hẳn, khi có những dự án mới, sếp của bạn thà chọn những người còn non kém về kinh nghiệm và năng lực nhưng nhiệt tình, có thái độ tích cực hơn bạn để đào tạo thêm chứ không muốn nghe bạn liên tục “bàn lùi” hoặc than vãn.

Bạn quá nhút nhát

Bạn rụt rè, không biết cách thể hiện bản thân khiến người quản lý khó nhận ra những ưu điểm của mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn không được đánh giá cao trong môi trường làm việc. Hãy tìm cách tiếp thị bản thân một cách tinh tế, hiệu quả chứ đừng quảng cáo trắng trợn theo kiểu khoe khoang (coi chừng sẽ phản tác dụng).

Sự nhút nhát cũng khiến bạn luôn đồng ý với ý kiến của mọi người và không dám thể hiện chính kiến của bản thân. Hãy nhớ, sếp của bạn chỉ đánh giá cao những nhân viên có quan điểm riêng và lập trường kiên định.

Dễ bị cảm xúc chi phối

Bạn là kiểu người dễ xúc động, làm việc theo cảm hứng. Bạn cũng hay phản ứng thái quá, nhất là khi nổi giận hoặc buồn phiền. Môi trường làm việc là nơi đòi hỏi tính chuyên nghiệp và nguyên tắc. Nên biết kiểm soát cảm xúc của mình, thể hiện đúng lúc, đúng chỗ, nếu không muốn bị đánh giá là trẻ con, tùy tiện, thiếu chín chắn.

Bạn thiếu tôn trọng sếp

Bạn có thể cảm thấy bất công khi những người năng lực kém hơn bạn gặt hái được nhiều thành tích hay được ưu ái hơn. Do vậy, bạn khó chịu với đồng nghiệp và thậm chí là tỏ thái độ thiếu tôn trọng hoặc chống đối sếp.

Không có môi trường làm việc nào hoàn hảo và dù ở đâu, bạn vẫn có khả năng gặp những chuyện bất công, đồng nghiệp không tốt hay cấp trên khó ưa. Hãy nhớ, nếu bạn không đánh giá cao ai đó, họ cũng sẽ đối xử với bạn theo cách tương tự. Ngoài ra, nhiều nhà quản lý coi trọng thái độ hơn cả năng lực. Nếu bạn cứ giữ thái độ bất hợp tác, điều đó chỉ bất lợi cho bạn.

Lý do ngoài công việc

Bạn không được sếp đánh giá cao vì những lý do mang tính cá nhân, đó là khả năng thấp nhưng hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn có một người cấp trên thiếu rộng lượng, hay hơn thua, công - tư không rạch ròi. Nếu rơi vào trường hợp này, bạn cần khéo léo và tinh tế trong ứng xử để tránh tăng thêm mâu thuẫn. Tỏ thái độ cầu thị, tôn trọng sếp, tập trung cho công việc và hướng đến mục tiêu chung, dần dần sếp có thể sẽ thay đổi thái độ và thừa nhận năng lực của bạn.

Trong trường hợp bạn đã nỗ lực nhưng tình hình vẫn không được cải thiện, hãy cân nhắc việc thay đổi môi trường làm việc.

HX (Theo Nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới