TIN TỨC » Làm sao

Cách đối phó khi bị bắt nạt ở trường và ở nhà

Thứ sáu, 05/08/2016 09:04

Mỗi ngày không ít người vẫn phải đối diện với nhưng kẻ bắt nạt khó chịu. Điều này mang đến những tác động đáng kể với tâm lý của người bị bắt nạt.

Những kẻ bắt nạt xuất hiện dưới nhiều hình thức và mức độ. Qua thời gian, đa phần chúng ta, trong thời thơ ấu hoặc khi đã trưởng thành có thể phải đối phó với một vài kẻ bắt nạt. Những thống kê gần đây cho thấy cứ bốn trẻ em thì có một trẻ thỉnh thoảng bị bắt nạt. Tại nơi làm việc, ở nhà, trong quân đội, bệnh viện, thậm chí cả trong trại dưỡng lão, hiện tượng bắt nạt cũng trở thành một vấn nạn. Chúng ta phải thận trọng đối phó với những kẻ bắt nạt, và trên hết, hành vi đó phải được ngăn chặn.

Hạn chế phản ứng với hành động bắt nạt

Đừng cho kẻ bắt nạt thấy rằng bạn đang bị tổn thương và họ đã thành công khi gây ảnh hưởng tới bạn. Thay vào đó, bạn chỉ cần bỏ đi như thể mình không quan tâm. Đa số những kẻ bắt nạt thường sẽ cảm thấy hả hê khi làm người khác cảm thấy tổn thương hoặc khó chịu, do đó nếu bạn phản ứng cũng giống như đang khuyến khích họ tiếp tục bắt nạt. Kẻ bắt nạt thích sự chú ý và nếu bạn tỏ ra khổ sở vì những hành động của họ thì họ càng có hứng thú làm việc này.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một vài kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy an toàn khi họ nhận thấy rằng bạn không bị ảnh hưởng sau khi bị bắt nạt.

Tuyệt chiêu đối phó với kẻ bắt nạt

Học võ

Bạn có thể lựa chọn Karate, Kung Fu, Taekwondo, Judo hay những môn tương tự. Học võ sẽ giúp bạn thêm tự tin, tăng cường thể lực, có thêm kỹ năng tự vệ và khả năng chiến thắng trong mỗi cuộc đấu. Những kẻ bắt nạt thích săn những con mồi mà họ coi là yếu hơn mình, do đó tạo một dáng vẻ mạnh mẽ có thể làm họ nhụt chí. Kỹ năng võ thuật còn giúp bạn biết cách làm thế nào để tỏ ra mình không phải là mục tiêu dễ tấn công.

Tránh gặp kẻ bắt nạt

Cố gắng tránh gặp những kẻ bắt nạt ở trường hay ngoài xã hội. Nếu họ có cùng đường đi với bạn, hãy đi đường khác, nếu không nhìn thấy bạn thì họ cũng không thể bắt nạt bạn. Hãy hết sức tránh gặp họ, nhưng đừng để họ biết điều đó. Họ sẽ cho rằng bạn đang sợ hãi và họ đã thành công, kết quả là họ sẽ càng lấn tới.

Hoặc luôn đi cùng với một người bạn, đông người bao giờ cũng an toàn hơn. Đa số những kẻ bắt nạt sẽ nhụt chí nếu những kẻ cùng phe với họ không ở bên cạnh. Họ không muốn dính vào rắc rối và nếu bạn có bạn bè ở bên cạnh thì kẻ bắt nạt sẽ không dám làm gì.

Hãy khôn ngoan hơn kẻ bắt nạt

Những kẻ bắt nạt không mấy thông minh và sắc sảo, do đó bạn có thể lợi dụng điều này. Ý tưởng sau cũng không tồi: Cười vào mọi điều họ nói và lời xúc phạm càng nặng nề thì bạn càng nên cười lớn. Hãy cố gắng nghĩ về nó như điều gì đó thực sự buồn cười. Chắc chắn việc này làm kẻ bắt nạt rất bực tức vì họ muốn bạn khóc chứ không phải cười.

Hãy thông minh và nhận biết mọi thứ

Tìm hiểu hoàn cảnh xung quanh để biết những nơi nào có thể là lối thoát, nơi thường lui tới, vùng xung đột, vùng an toàn và các ranh giới. Hãy nhận ra mô hình của kẻ bắt nạt vì hầu hết những kẻ bắt nạt đều có một đám tay chân đi theo. Hiểu biết về kẻ thù và hoàn cảnh xung quanh có thể giúp ích khi bạn lẩn tránh, nhưng quan trọng hơn cả là khi đối đầu trực diện.

Học vài động tác tự vệ

Việc này rất quan trọng nếu bạn phải đánh nhau. Bạn không cần phải đạt được đến trình độ đai đen, chỉ cần vài mẹo nhỏ để tự vệ. Hãy tự vệ với tất cả sức lực và không ngần ngại.

- Cú đá bất ngờ vào háng có thể làm cho đối phương cảm thấy đau điếng và bối rối một lúc đủ để bạn chạy thoát. Những kẻ bắt nạt không quen với việc người khác có lợi thế hơn họ.

- Nếu đá vào háng không có tác dụng, bạn hãy thử đá vào vùng bụng (ngay dưới xương sườn), hay đá vào đầu gối khiến đối phương khuỵu xuống.

- Nếu kẻ bắt nạt túm lấy bạn hay dồn ép bạn, bạn có tin không, đây lại là một lợi thế của bạn. Cố gắng giữ thăng bằng, dùng tay trái túm lấy một cánh tay của họ và đánh vào khuỷu tay bằng tay kia, sau đó dùng tay kia gạt cánh tay còn lại của kẻ đó.

- Và ngay khi có cơ hội, bạn hãy chạy đến một nơi an toàn và kêu cứu.

Nhận thức rõ về bản thân

Hiểu được những điểm mạnh, điểm yếu và các mục tiêu của bạn. Lòng tự tin sẽ giúp ích cho bạn khi đối phó với những kẻ bắt nạt bằng lời nói, vì những lời xúc phạm của họ sẽ không chạm được vào tim bạn. Kẻ bắt nạt bằng lời nói cần nhiều người nghe để phát tán sự lăng mạ và những câu nói của họ thường không dựa trên sự thực mà chỉ là những điều giả dối.

Không cố gắng bắt nạt lại

Chắc hẳn bạn không muốn hạ thấp mình ngang hàng với kẻ bắt nạt. Bạn hoàn toàn nên chỉ ra nguyên nhân họ bắt nạt và tìm ra những kẽ hở trong lập luận của họ, tuy nhiên bạn nhất định đừng bao giờ có những hành vi như họ. Việc đó chỉ tiếp sức thêm cho họ. Nó làm bạn cũng xấu như họ mà thôi. Và nếu làm thế, bạn cũng sẽ gặp rắc rối như họ. Nếu sự việc trở nên náo loạn và nhà chức trách phải can thiệp, thì chẳng ai biết ai mới thực thực sự là kẻ bắt nạt.

Nhận diện các kiểu bắt nạt mà bạn và mọi người đang đối mặt

Có nhiều hình thức bắt nạt: một số xâm phạm thân thể, số khác xúc phạm bằng lời nói, trong khi một số kẻ dùng mánh khóe để đùa cợt với cảm xúc của bạn. Nhiều kẻ bắt nạt kết hợp các chiến thuật trên. Cho dù là kiểu gì, việc nhận diện cũng sẽ giúp bạn hiểu được phương cách mà kẻ bắt nạt sử dụng.

Loan truyền cho mọi người biết

Bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng, không thể gạt sang một bên và xử lý một cách lặng lẽ. Hãy lấy trường hợp của bạn ra và nói. Bạn hãy đề nghị nhà trường tổ chức các cuộc thảo luận hay hội thảo và đưa vấn đề này ra trước mọi người. Cho mọi người biết rằng vấn nạn này xảy ra hàng ngày. Người ta chỉ hành động vì một điều gì đó khi chú ý tới nó. Bạn có thể nghĩ rằng mình đơn độc, hoặc bạn không biết ai có cùng hoàn cảnh như mình, nhưng đó chỉ là vì họ quá rụt rè nên ngại nói. Nếu lên tiếng khởi xướng, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên khi thấy có biết bao người cùng đứng về phía bạn.

>> Scandal bắt nạt thành viên trong nhóm 'kinh khủng' nhất Kpop

Huyền Nguyễn (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới