TIN TỨC » Làm sao

Cách muối cà pháo giòn ngon, không bị thâm, không nổi váng, rất hao cơm ngày hè

Thứ hai, 24/06/2024 09:49

Cà muối là món ăn dân dã của nhiều gia đình Việt Nam, nhất là ở miền Bắc và miền Trung. Cách muối cà không quá cầu kỳ nhưng mỗi người lại có bí quyết riêng để làm cho món cà ngon nhất!

Cà pháo ngon, giòn, đủ vị chua cay là món ăn khá "tốn" cơm và phổ biến hiện nay. Dưới đây, chúng tôi sẽ mách bạn cách muối cà pháo ngon, giòn, không bị nổi váng.

Sơ chế nguyên liệu muối cà pháo

Chọn mua những trái cà pháo nhỏ, vừa để khi muối nó nhanh thấm lại dễ ăn. Nên chọn những trái cà pháo còn non, vì khi muối ăn sẽ giòn, ngon và ngọt hơn những trái cà đã quá lứa.

Cà pháo mua về, trải cà ra phơi nắng trong khoảng 3-4 tiếng đồng hồ (tùy mức độ nắng) cho vừa se mặt.

Lột bỏ cuống bằng cách dùng dao mỏng, sắc cắt hết cuống hoặc để lại khoảng 1/2 cm rồi cạo nhẹ phần vỏ xanh của cuống.

Bí quyết muối cà không bị thâm đen, không bị nổi váng

Cách muối cà theo kiểu muối nén

Muối nén cà được xuất thân từ miền Bắc, là món thường ăn kèm trong bữa cơm canh cua rau đay. Vì vậy, cách muối này rất được các mẹ phía Bắc hưởng ứng. Vậy bí quyết của cách muối này là gì?

Sau khi đã làm xong quá trình sơ chế nguyên liệu ở trên. Các mẹ dùng vại, lu, bình, hũ... miệng rộng để muối.

Cứ một lớp cà rải một lớp muối. Cứ làm tương tự như vậy đến hết số cà muốn muối.

Dùng dụng cụ đậy kín nắp để trong khoảng 15 - 20 ngày là được. Cà muối theo cách này có thể dự trữ được trong thời gian dài.

Các mẹ có thể dùng một tấm mê rổ dày hoặc cả một tấm gỗ mỏng đặt lên lớp cà trên cùng rồi cho vật nặng (tảng đá, cối đá nhỏ...) nén chặt cà, đậy kín nắp. Làm như vậy thì cà sẽ không bị thâm đen và nhanh thấm.

Cách muối cà theo kiểu muối nước

Cách 1:

Cũng sơ chế cà như cách làm trên. Sau đó đun sôi để nguội nước muối (nồng độ khoảng 30 - 70 g muối trong 1 lít nước). Dùng hũ, vại...miệng rộng rồi cho cà vào, dùng vài nan tre mỏng hoặc một tấm mê rổ hoặc một phiến nặng vừa đủ đè lên mặt cà sao cho nước muối cao hơn mặt cà khoảng 5 cm.

Trong quá trình muối, nếu thấy mực nước muối rút xuống thì bổ sung thêm nước muối vào để duy trì mực nước. Nếu cà nổi lên khỏi mặt nước muối cà sẽ bị thâm lại do chất tannin trong quả cà bị ô xy hoá khi tiếp xúc với không khí, mất mỹ quan và dễ hỏng.

Cách 2:

Muối cà theo cách này có thể cho thêm tỏi lột vỏ cắt lát mỏng và gừng cạo vỏ cắt sợi (khoảng 50 g mỗi loại cho 1kg cà). Cà muối theo cách này trong vòng 10 ngày (tuỳ độ mặn của nước muối) là có thể vừa chua để ăn.

Nếu nước quá nhiều muối, cà sẽ lâu chua; quá ít muối cà sẽ nhanh chua nhưng dễ hư hỏng. Trong quá trình bảo quản cũng cần đảm bảo cà không nổi lên mặt nước.

Nếu sau 3-4 ngày, mặt nước muối nổi lên lớp váng mỏng thì nước muối cà chưa đủ độ mặn cần thiết, khắc phục bằng cách thay nước muối khác có độ mặn cao hơn.

Cách muối cà theo kiểu muối xổi

Tương tự cách muối nước nhưng dung dịch nước muối có độ mặn thấp để cà có thể chua trong vòng 2 - 3 ngày.Cách muối cà theo kiểu muối xổi

Tuy nhiên ăn nhiều cà pháo, đặc biệt là cà sống, cà muối xổi có thể bị nhức mỏi, buồn nôn, tiêu chảy do ngộ độc solanin.

Các cách thưởng thức cà muối

Cà pháo muối chủ yếu dùng ăn trực tiếp cùng với nước chấm như nước mắm, mắm tôm, tương... thường kết hợp với canh rau đay, mùng tơi hoặc nước rau muống luộc trong bữa ăn. Ngoài ra còn có thể chế biến thêm như dầm tương, ngâm dấm đường...

Cà pháo muối là món ăn dân dã, chống ngán cho các thành viên trong gia đình, nhưng đừng vì vậy mà lạm dụng món này nhiều trong bữa cơm hàng ngày nhé!

Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)