TIN TỨC » Làm sao

Đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở bếp là sai lầm: Đặt ở đâu mới đúng, việc ai cũng cần phải biết!

Thứ bảy, 27/01/2024 09:51

Cúng ông Công ông Táo là một nét văn hóa, phong tục của người dân Việt Nam được lưu truyền từ bao đời nay. Tuy nhiên trong quá trình làm lễ cúng, nhiều người vẫn có những hành vi không đúng, đặc biệt là việc đặt mâm cúng ông Công ông Táo ở bếp.

Theo quan niệm của người Việt, cả ba vị Táo quân là các vị thần cai quản mọi việc trong gia đình, định đoạt may - rủi, phúc - họa của gia chủ, ngăn chặn sự quấy phá của ma quỷ, giữ gìn hạnh phúc, bình yên cho mọi nhà. Tục cúng ông Công ông Táo là sự thành kính của gia chủ và cầu mong cho một năm ấm no, đủ đầy, may mắn, phát tài phát lộc.

Phong tục cúng ông Công ông Táo là truyền thống của người Việt vào ngày 23 tháng Chạp.

Vào ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), gia đình Việt thường làm những mâm cơm tươm tất để bày tỏ sự biết ơn đến ba vị Táo quân và cũng là dịp để người người, nhà nhà quây quần, sum họp bên nhau sau một năm xa cách. Đặc biệt, trong ngày cúng ông Công ông Táo, người dân Việt Nam thường chuẩn bị thêm cá chép để thả phóng sinh tại sông, hồ.

Phóng sinh là truyền thống thể hiện sự từ bi, nhân ái của người Việt. Cá chép trong văn hóa phương Đông là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi chuyện trong một năm qua. Hơn thế, cá chép còn có ngụ ý “cá chép hóa rồng”, “cá vượt Vũ môn”, tượng trưng cho sự thăng hoa, tiến bộ và tinh thần kiên trì, bền bỉ để đạt được thành công.

Mâm cúng ông Táo, ông Công đặt ở đâu?

Tùy vào phong tục từng miền, cũng như quan niệm từng vùng nên mâm lễ cúng ông Táo, ông Công có phần khác nhau.

Mâm cỗ cúng ông Táo luôn đầy ắp màu sắc, với mong muốn một năm sung túc. Ông Táo gắn liền với bếp lửa, do đó, bàn thờ ông Táo đặt trong bếp, có thể bên cạnh hoặc trên bếp, thể hiện tín ngưỡng của dân gian thờ vị thần cai quản chuyện bếp núc trong mỗi gia đình với mong muốn giữ cho bếp lửa luôn ấm, gia đình thuận hòa, sung túc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tâm linh thì việc cúng lễ như vậy là hoàn toàn sai. Việc làm mâm cúng phải được đặt tại ban thờ gia tiên hoặc có một bàn thờ Táo quân riêng chứ không nên đặt tại bếp. Vì bếp là nơi nấu nướng, nhiều dầu mỡ, không được sạch sẽ nên việc cúng lễ ở đây sẽ thiếu đi sự trang trọng cần có.

Mâm cúng ông Công, ông Táo gồm những gì?

+ Lễ vật cúng ông Công, ông Táo

- Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.

- Cá chép: Tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Bạn có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Thường ở miền Bắc người ta còn cúng một con cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" nhưng tại Nam Bộ thường dùng cá chép giấy nhiều hơn.

- Tiền vàng

- 1 chiếc áo

- 1 đôi hia bằng giấy

Màu sắc của mũ, áo và hia cúng ông Táo cũng thay đổi theo từng năm phụ thuộc vào ngũ hành như sau:

- Năm hành kim sẽ cúng mũ, áo và hia màu vàng

- Năm hành mộc sẽ cúng mũ, áo và hia màu trắng

- Năm hành thủy sẽ cúng mũ, áo và hia màu xanh

- Năm hành hỏa sẽ cúng mũ, áo và hia màu đỏ

- Năm hành thổ sẽ cúng mũ, áo và hia màu đen

+ Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta làm lễ mặn hay lễ chay để tiễn ông Táo Quân. Mâm cúng ông Táo cơ bản, truyền thống bao gồm:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 3 chén rượu

- Thịt heo luộc

- Gà luộc hoặc quay

- Đĩa rau xào

- Hành muối

- Xôi gấc

- Giò heo

- Canh mọc

- Cá chép nướng (ở miền Nam thường cúng cá lóc nướng)

- Trái cây tươi, trà, rượu, cau trầu,...

- 1 tập giấy tiền, vàng mã

- 1 lọ hoa cúc

- 1 lọ hoa đào nhỏ

Ngày nay, mâm cỗ cúng ông Táo được đơn giản khá nhiều, không bắt buộc phải đầy đủ tất cả các món như mâm cỗ truyền thống, chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình. Nếu gia đình nào không có điều kiện chỉ cần làm mâm cúng đơn giản 3 món là đã được. Đặc biệt, mâm cúng ông Táo ở ba miền đều có đặc trưng riêng.

(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.

Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới