TIN TỨC » Làm sao

Hai ngày nữa ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu, người dùng cần làm gì?

Thứ hai, 30/12/2024 13:15

Từ 1/1/2025, ứng dụng Mobile đều không được phép có chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật (mật khẩu) truy cập. Điều này khiến nhiều người lo lắng khi phải tự ghi nhớ mật khẩu.

Theo Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng, từ ngày 1/1/2025, khi sử dụng phần mềm ứng dụng Mobile Banking, sẽ không cho phép chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập.

Tại khoản 5 Điều 8 Thông tư quy định: "Không cho phép chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập", nghĩa là các ứng dụng (app) không được có chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật (password) truy cập của khách hàng.

Đây là một bước đi quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng.

Tuy vậy, hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dùng, vẫn giữ thói quen ghi nhớ mật khẩu đăng nhập ứng dụng ngân hàng. Vì vậy, quy định mới khiến cho nhiều người dùng lo lắng.

Từ 1/1/2025, app ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu (Ảnh minh họa).

Theo khuyến cáo của ngành ngân hàng, sau khi quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2025, chủ tài khoản cần chuẩn bị một số biện pháp để thích ứng và đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến của mình.

Theo đó, người tiêu dùng nên sao lưu mã khóa bí mật truy cập của mình ở một nơi an toàn. Ví dụ, có thể ghi chép mã khóa vào một cuốn sổ bảo mật hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý mật khẩu uy tín. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng truy cập khi cần mà không phải lo lắng về việc quên mã khóa.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo rằng thông tin liên lạc của bạn với ngân hàng (email, số điện thoại) được cập nhật đầy đủ và chính xác. Điều này giúp ngân hàng liên hệ với bạn kịp thời trong trường hợp cần xác nhận danh tính hoặc hỗ trợ khi bạn gặp vấn đề với mã khóa bí mật.

Ngoài ra, thao tác đăng nhập thông qua bảo mật sinh trắc học như vân tay, khuôn mặt là một trong những phương pháp đăng nhập thay thế tốt, những phương pháp này đang áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn, an toàn và tiện lợi. Bên cạnh để đăng nhập ứng dụng, công nghệ sinh trắc học còn được sử dụng cho các giao dịch chuyển khoản, xác định tài khoản chính chủ.

(Ảnh minh họa)

Đại diện TPBank cũng cho biết khách hàng vẫn có thể sử dụng các phương thức đăng nhập hiện đại như FaceID hoặc TouchID để đăng nhập ứng dụng ngân hàng, thay vì nhập mật khẩu theo cách truyền thống. Những phương pháp này không chỉ an toàn hơn mà còn mang lại sự tiện lợi trong quá trình giao dịch trực tuyến.

Tại khoản 3 Điều 17 Thông tư cũng đã quy định, các ngân hàng không được gửi tin nhắn SMS, thư điện tử cho khách hàng có nội dung chứa đường dẫn liên kết (Hyperlink) truy cập các trang tin điện tử, trừ trường hợp theo yêu cầu của khách hàng.

Do vậy, nhằm đảm bảo an toàn cho tài khoản của mình, giảm nguy cơ bị tấn công mạng, người dân cũng cần hết sức cảnh giác với những cuộc gọi yêu cầu điền thông tin cá nhân, những đường link lạ, cố gắng thực hiện các giao dịch tài chính tại nhà hoặc ở nơi an toàn, tránh sử dụng mạng Wi-Fi công cộng...

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới