Khi vào nhà vệ sinh, hầu như chúng ta sẽ thấy những tấm biển nhắc nhở "Không vứt giấy vào bồn cầu" hoặc "Vứt giấy vào sọt rác". Từ đó, cũng không ít người giống như tôi, áp dụng luôn nguyên tắc này cho khu vệ sinh nhà mình nhằm tránh làm bồn cầu bị tắc. Thế nhưng thói quen tưởng chừng rất bình thường này thực chất lại sai lầm, khiến nhà vệ sinh vừa mất thẩm mỹ, vừa có mùi khó chịu.
Khung cảnh bừa bộn khi vứt giấy vệ sinh vào thùng rác
Có nên vứt giấy vệ sinh vào thùng rác?
Ở góc độ vệ sinh, việc vứt giấy vào thùng rác là rất không nên. Lý do là giấy vệ sinh đã qua sử dụng sản sinh ra một lượng lớn vi khuẩn E. coli và Staphylococcus Aureus, khi tỏa ra không khí sẽ có hại nếu tiếp xúc với cơ thể người.
Phòng tắm cũng là nơi tương đối ẩm ướt nên giấy vệ sinh không được xử lý ngay sẽ khiến vi khuẩn sinh sôi nhanh chóng, chưa kể là còn khiến nhà tắm có mùi hôi.
Mặt khác, chúng ta còn có thói quen để khăn tắm, quần áo, bàn chải đánh răng... trong phòng tắm. Vậy nên một khi vi khuẩn trên giấy vệ sinh sinh sôi cũng sẽ lan vào không khí rồi bám vào đồ dùng, khi ta sử dụng sẽ lây sang cơ thể hoặc thậm chí lây bệnh qua đường miệng. Tưởng tượng thôi đã thấy bẩn và có hại thế nào.
Nhiều người không vứt giấy vệ sinh vào thùng rác để giữ gìn vệ sinh phòng tắm
Không vứt giấy vệ sinh vào thùng rác thì vứt vào đâu?
Nguyên tắc này có thể áp dụng với nhà vệ sinh công cộng bởi lẽ lượng người sử dụng quá nhiều đúng là có thể gây tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra nhà vệ sinh công cộng cũng chỉ là khu vệ sinh riêng, không chung với khu tắm như ở nhà. Nhà vệ sinh riêng đã cũ có đường ống thoát nước xuống cấp, nước yếu nên dễ bị tắc nếu giấy xả liên tục vào bồn. Lúc này, có thể vứt giấy vào thùng rác nhưng thùng rác phải có nắp đậy, được dọn liên tục để tránh phát sinh vi khuẩn cũng như mùi hôi.
Cách nhanh nhất là vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu và xả nước
Còn thực tế, bạn chỉ cần ném giấy vệ sinh trực tiếp vào bồn cầu và xả nước. Đây là cách hợp vệ sinh nhất để giữ cho khu vực "giải tỏa nỗi buồn" sạch sẽ, không có mùi khó chịu.