TIN TỨC » Làm sao

Làm sao để trẻ sơ sinh không bị y tá bế nhầm?

Thứ năm, 30/03/2023 07:50

Trong cuộc sống và trên phim ảnh, chúng ta đã từng thấy các em bé sơ sinh bị trao nhầm mẹ, dẫn đến cuộc sống bị xáo trộn và kéo theo hàng loạt ngã rẽ. Vậy các bệnh viện ngày nay làm thế nào để trẻ sơ sinh không bị y tá bế nhầm?

Trong bệnh viện có nhiều đứa trẻ sinh cùng ngày, cùng thời điểm, như vậy rất dễ nhầm lẫn ở một số mắt xích. Thật sự rất khó khăn khi sau này bạn phát hiện ra đứa con mà bạn đã vất vả nuôi nấng không phải là con của mình.

(Ảnh minh họa)

Khi mẹ bầu sinh con trong bệnh viện, làm thế nào để không bị y tá bế nhầm? Trên thực tế, xác suất xảy ra chuyện như vậy trong bệnh viện hiện nay gần như là không thể.

Bệnh viện đã hình thành một quy trình rất thống nhất và chuẩn hóa trong nghiệp vụ chăm sóc trẻ sơ sinh. Mỗi bà mẹ khi sinh sẽ được cả một đội ngũ chuyên trách để chăm sóc toàn bộ quá trình sinh của bé. Còn hiện nay nhiều phòng sinh đều là phòng đơn, thậm chí nếu nhiều người cùng sinh trong một phòng sẽ do các bác sĩ, y tá riêng tận tâm xử lý, không có sự can thiệp chéo.

Có nhiều cách để đảm bảo không trao nhầm con ở bệnh viện (Ảnh minh họa)

Nếu là sinh mổ, lại càng không thể sinh nhầm, bởi vì trong phòng mổ chỉ có một mình và đứa trẻ sinh ra trong đó chỉ có thể thuộc về một người mẹ mà thôi.

Tuy nhiên, vẫn có những quy trình rất cụ thể để tránh viện trao nhầm trẻ sơ sinh.

Thông tin ghép vòng tay mẹ và bé

(Ảnh minh họa)

Sau khi người mẹ sinh em bé, y tá sẽ xác nhận giới tính, đặc điểm thể chất… của em bé lần đầu tiên, sau đó để người mẹ xác nhận con của mình. Sau đó, y tá sẽ ghi lại các thông tin khác nhau của em bé, bao gồm giới tính, mẹ, giờ sinh, cân nặng…, sau đó cả em bé và mẹ lần lượt có một chiếc vòng tay ghi thông tin rõ ràng, bé trai màu xanh, bé gái màu hồng.

Vòng đeo tay này phải được đeo 24/24 trong bệnh viện, không được phép tháo ra, điều này sẽ giúp các y tá nhanh chóng xác nhận thông tin của mẹ và con thông qua vòng đeo tay. Vòng đeo tay sẽ không được tháo ra cho đến khi người mẹ hồi phục và được xuất viện.

Mẹ và bé ngủ chung phòng

Với điều kiện y tế không ngừng được cải thiện, hiện nay các bà mẹ đều yêu cầu được ngủ cùng bé ngay sau khi sinh, không rời mẹ trong 24 giờ đầu, không đưa bé đi cách ly, chăm sóc ở nơi khác như trước đây. Điều này rất hiệu quả để tránh khả năng em bé bị bế nhầm sau khi sinh. Tất nhiên, đối với những trẻ sinh non phải nằm trong lồng kính, bệnh viện cũng sẽ kiểm tra kỹ thông tin của mẹ và bé để tránh xảy ra sai sót.

Với các biện pháp trên thì khả năng các bà mẹ sinh con trong bệnh viện và bị bế nhầm là rất nhỏ. Nếu cha mẹ lo lắng rằng sự cố như vậy vẫn sẽ xảy ra, chúng ta cũng có thể thực hiện một số biện pháp phòng ngừa cao hơn trong khả năng của mình.

Trước hết, chúng ta có thể chụp ảnh sau khi em bé được sinh ra, với việc so sánh ảnh, chúng ta có thể nhanh chóng xác nhận em bé của mình trong bệnh viện thông qua bức ảnh, nếu em bé được sinh ra với vết bớt thì sẽ dễ dàng xác định hơn.

Thứ hai, gia đình cũng có thể có người theo dõi quá trình chăm sóc của bé trong viện. Nếu em bé bị tách khỏi mẹ trong bệnh viện, thì chúng ta cũng cần cử người đi theo và chú ý đến em bé trong suốt quá trình, để tránh khả năng bị bế nhầm ở một số công đoạn.

Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)