Sáng 23/7, bão số 2 (tên quốc tế Prapiroon) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lúc 7h, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9, di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc với tốc độ 5-10km/h.
Hình thái trên được dự báo tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc Bộ trong những giờ tới. Ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão, ngày 23/7, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Biển động mạnh.
Sáng 23/7, khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; khu vực Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật mạnh cấp 6.
Vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, biển ven bờ Quảng Ninh) độ cao sóng 2-3m. Chiều 23/7, ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định cần đề phòng triều cường cao, làm chậm quá trình thoát lũ trên các sông, gây ngập tại khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông.
Từ ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa bước vào đợt mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa dao động 70-150mm, có nơi trên 300mm/đợt; trong khi Tây Bắc Bộ và Nghệ An có thể hứng chịu lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 200mm/đợt.
Hà Nội mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Mùa mưa bão đã bắt đầu! Hãy cùng chúng tôi tham khảo cách để bảo vệ bản thân khi trời giông sét trong mùa mưa bão này nhé!
Hiện tượng sấm sét hình thành do đâu?
Sấm sét hay tia sét là hiện tượng xảy ra khi các đám mây mang điện tích trái dấu chạm vào nhau phóng điện trong khí quyển. Chúng có tốc độ di chuyển lên đến 36.000km/s.
Theo các chuyên gia nhận định, ở Việt Nam, các cơn mưa đầu mùa sẽ kèm theo hiện tượng sét đánh rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, sấm sét không phân bổ đều theo quốc gia hay vùng miền.
Uớc tính mỗi năm nước ta phải hứng chịu khoảng 2 triệu cơn bão sét đánh xuống. Tần suất lớn nhất ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ.
Sét thường xảy ra trong mưa giông, đặc biệt là những trận mưa giông nhiệt (xuất hiện vào các buổi chiều sau một ngày nắng nóng gay gắt, hình thành do đối lưu rất mạnh trong khí quyển gây ra).
Điều gì xảy ra khi bị sét đánh
Theo tiến sĩ Frank LoVecchio, nhà địa chất học tại Đại học Y khoa Banner, thông thường, tia sét sẽ gây bỏng cục bộ. Một số người bị ngừng tim, lú lẫn, co giật, chóng mặt, đau cơ, đau đầu và mất trí nhớ. Tia sét cũng có thể gây đục thủy tinh thể, vỡ màng nhĩ, khiến người bị nạn gặp vấn đề về thính giác suốt đời.
Người tử vong thường do ngưng tim hoặc ngưng thở tại thời điểm bị sét đánh. "Điện từ tia sét có thể gây ngừng tim hoặc nhịp tim không đều. Nó cung cấp cho tim năng lượng tương tự máy khử rung tim", tiến sĩ LoVecchio nói. Ông khuyến nghị mọi người gọi đường dây cấp cứu và thực hiện hô hấp nhân tạo nếu cần để cứu sống nạn nhân.
Cách bảo vệ bản thân khi gặp giông sét thế nào?
Sét là hiện tượng thời tiết cực đoan ngẫu nhiên nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi an toàn, đề phòng sét khi gặp trời mưa dông, nhất là trong mùa mưa bão, có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh và tránh được những tổn thương đến sức khỏe.
Điều đầu tiên để phòng chống bị sét đánh, người dân cần chủ động nắm rõ thông tin thời tiết. Khi thấy tiếng sấm và dấu hiệu cơn giông, nếu có thể, mọi người nên vào trong nhà.
Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ trên Sức khỏe & Đời sống, một số lưu ý để tự bảo vệ bản thân khi gặp dông sét bao gồm:
Cách tránh sét trong nhà
Khi trời sắp xảy ra giông thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên vào nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là tòa nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét.
Bạn nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết.
Ngoài ra, cần rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông gần xảy ra. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m.
Cách tránh sét đánh ngoài trời
Trong trường hợp bạn không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...
Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm chỗ thấp, tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ. Phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Nhón chân, không được nằm xuống đất. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.
Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất.