TIN TỨC » Làm sao

Mức lương 7 triệu hay 30 triệu cuối tháng cũng hết sạch là do đâu? Chỉ bạn cách tiết kiệm tiền hiệu quả

Thứ tư, 05/04/2023 21:50

Nếu chi tiêu không có khoản tiết kiệm, bạn sẽ phải khổ khi xảy ra trường hợp không mong muốn, ốm đau, hoặc thời điểm như dịch Covid-19 vừa qua.

Mức lương 7 triệu/tháng thường là của sinh viên mới ra trường. Sau thời gian đi làm, nhiều người được thăng tiến với mức thu nhập cao hơn (trên 30 triệu đồng/tháng). Nhưng vấn đề với nhiều bạn trẻ là không tiết kiệm được tiền. Cuối tháng thường rơi vào cảnh rỗng ví, thậm chí phải vay mượn để bù vào cho đủ sinh hoạt. Nguyên nhân là do đâu?

Sai lầm này có thể gọi là lạm phát lối sống, nghĩa là cứ suy nghĩ thu nhập mình tăng thì các thứ chi tiêu khác cũng tăng lên cao. Vì có suy nghĩ này nhiều bạn trẻ tự thưởng cho mình bằng đồ hiệu, du lịch, ăn hàng nên tiền làm ra bao nhiêu cũng hết.

Tiền làm ra bao nhiêu cũng hết, chỉ bạn cách tiết kiệm hiệu quả.

Đã có rất nhiều người có thu nhập tăng lên nhưng vì lạm phát, lối sống cho phép mình thoải mái tận hưởng những nhu cầu xa xỉ nhằm thỏa mãn bản thân nên cuối cùng kế hoạch tài chính ngày càng tồi tệ hơn.

Không phủ nhận rằng mình làm ra tiền thì phải để phục vụ mình tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống tốt hơn nhưng vấn đề là phải biết kiểm soát không vượt quá số tiền kiếm được. Cần có khoản dự trữ, tiết kiệm là an nhàn khi hưu trí và quỹ khẩn cấp đề phòng ốm đau, bệnh tật.

Dừng quên rằng ngày hôm nay mình càng xài thoải mái bao nhiêu thì trong tương lai mình sẽ có ít sự tự do tài chính bấy nhiêu.

Với thu nhập hàng tháng, các điểm cần lưu ý để vừa đảm bảo cuộc sống vừa có khoản tiết kiệm:

- Đừng cố chạy theo những gì người khác có hoặc đang làm, thay vì cảm thấy mình thực sự cần làm gì.

- Nên thiết lập việc chuyển tiền lương tự động vào tài khoản tiết kiệm của mình để bản thân không bị cám dỗ và suy nghĩ nhiều về việc xài tiền. Phải tự kỷ luật với bản thân điều này thì mới mong tiết kiệm thành công.

- Cần biết lập ngân sách cho mình, bao gồm khoản thu và chi. Nếu theo dõi ngân sách của mình đều đặn và thường xuyên sẽ giúp kiểm soát chi tiêu kịp thời và phù hợp. Cái nào chưa phải, chưa đúng thì sẽ lập tức dừng ngay.

- Đừng chủ quan nghĩ mình dư sức trả nợ nên mặc cho các khoản nợ mới phát sinh. Nếu chỉ có thể trả góp hằng tháng cho một món đồ thay vì mua hẳn chúng thì hãy suy nghĩ lại, vì tính tổng cộng bao gồm tiền lãi phát sinh mỗi tháng sẽ nhiều hơn giá trị của món hàng đó.

- Khi được tăng lương hoặc thăng chức, ít nhất trong vài tháng đầu, hãy cố gắng đừng để lối sống của mình phải thay đổi. Vì được một lần thì chắc chắn sẽ có lần sau, như thế sẽ rất khó sửa.

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)