Quên tắm rửa mộc dục cho tượng Thần Tài
Theo quan niệm dân gian, trước khi làm lễ cúng vía Thần Tài, ban thờ cùng các tượng thờ cần được lau rửa sạch sẽ, như thế mới giúp cho các thần linh thấu rõ được tấm lòng thành kính của mình. Điều này thể hiện sự tín ngưỡng tâm linh của gia chủ, mong được thần linh phù hộ, làm ăn gặp nhiều may mắn, tài lộc đủ đầy.
Ngày mùng 8 hoặc mùng 9 âm lịch, các gia chủ nên tắm rửa mộc dục cho tượng Thần Tài cũng như lau dọn ban thờ cho sạch sẽ để chuẩn bị đón đại lễ.
Quên tắm rửa mộc dục cho tượng Thần Tài là một trong những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài.
Ngày thường lau rửa cho tượng, gia chủ có thể dùng nước ấm pha rượu gừng là được, nhưng tới ngày vía Thần Tài, gia chủ nên cầu kì hơn một chút là dùng nước ngũ vị hương có: hồi khô, quế khô là 2 vị cố định, gừng, xả, hương nhu, đinh hương, xuyên tâm liên, gỗ vang, gỗ bạch đàn, lá nếp, lá bưởi... tùy thổ nhưỡng vùng miền địa phương mà ta vận dụng.
Sau khi tắm rửa cho các tượng thần xong, các bạn đừng quên dùng khăn khô lau sạch nước rồi mới đặt lên ban thờ, tránh để tượng thần còn ướt nước đã vội cúng cầu là không tốt, bạc lộc.
Ban thờ Thần Tài bày trí lộn xộn
Ban thờ Thần Tài bày trí lộn xộn, sắp xếp không gọn gàng không những gây rối mắt mà còn không thể hiện được sự thành tâm của gia chủ.
Theo chuyên gia phong thủy, tượng Thần Tài – Thổ Địa thường được đặt hai bên ban thờ. Tượng Thần Tài được đặt bên trái, tượng Thổ Địa bên phải (vị trí đặt này là nhìn từ ngoài vào). Ở giữa hai tượng Thần Tài – Thổ Địa gia chủ cần đặt hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy.
Bên cạnh đó, tượng Phật Di Lặc thường được đặt bên trên ban thờ Thần Tài. Tượng Ông Cóc được đặt bên trái ban thờ, ban ngày quay tượng hướng ra ngoài, đến tối thì quay hướng vào trong.
Lưu ý, bát nhang phải được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.
Cúng hoa, trái cây giả
Khi cúng Thần Tài thì gia chủ không nên dùng hoa giả mà cần mua hoa tươi, có nụ, tỏa hương thơm càng tốt. Về trái cây, thì cũng không nên dùng quả nhựa, nhân tạo không ăn được mà cần cúng bằng quả tươi, ngon. Thông thường, các gia đình thường cúng các loại quả như cam, quýt, chuối, lê, táo.
Cúng ngoài trời
Việc cúng ngoài sân hay ngoài cửa được coi là không tốt nên tốt nhất gia chủ nên đặt mâm cúng trong nhà khi làm lễ ở nhà riêng.
Đối với người làm kinh doanh, buôn bán thì khi cúng Thần Tài cũng nên làm ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Còn người không kinh doanh có thể thờ cúng Thần Tài ở nhà hay đình chùa đều được. Lý do là vì “thổ địa” thờ tại nhà đã kiêm chức năng giữ của cho gia chủ.
Vị trí đặt ban thờ Thần Tài ở nơi không sạch sẽ
Gia chủ cần lưu ý vị trí đặt ban thờ Thần Tài, tuyệt đối không đặt ban thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp. Ban thờ được đặt dưới đất nhưng phải là nơi sạch sẽ, trang nghiêm, hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính.
Bên cạnh đó, ban thờ Thần Tài cần phải được lau chùi thường xuyên, giữ gìn sạch sẽ không chỉ vào ngày vía Thần Tài. Gia chủ có thể dùng khăn sạch thấm nước sạch hoặc rượu để lau dọn ban thờ.
Trang phục gia chủ mặc luộm thuộm, không chỉnh tề
Việc ăn mặc luộm thuộm, xuề xòa sẽ thể hiện sự không thành kính. Vì thế, khi làm lễ cúng Thần Tài, gia chủ cần phải diện trang phục nghiêm chỉnh, gọn gàng, sạch sẽ.
Theo dân gian, thái độ thành kính, thành tâm mới là điều quan trọng nhất khi thực hiện các lễ cúng thần linh, gia tiên.
Gây gổ, cãi nhau, chửi bậy
Trong ngày vía Thần Tài, gia chủ nên chú ý lời ăn tiếng nói. Không nên gây gổ, đánh nhau, cãi nhau, chửi bậy, nói tục trong ngày này.
(*)Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo.