TIN TỨC » Tin trong ngày

14 nhát búa kinh hoàng giết chết bà lão 80

Chủ nhật, 03/06/2012 09:53

19 năm tù giam, 61 triệu đồng tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, để lại 3 đứa con thơ nheo nhóc cho người vợ trẻ bươn trải nuôi nấng- Đấy chính là hình phạt mà đối tượng Trần Viết Kỷ (1979) phải trả giá cho hành vi giết người dã man, tàn nhẫn của mình

Là một thanh niên “sức dài vai rộng”, không ai ngờ Trần Viết Kỷ lại chính là đối tượng dùng hung khí đập 14 nhát vào đầu và mặt người mà y vẫn thường gọi là “mự” (mợ)- một bà lão 80 tuổi già yếu, sống hiền hậu, đơn độc và là ân nhân nhường cửa nhà cho mẹ con y sinh sống bấy lâu nay. 14 nhát búa oan nghiệt đã làm cho nạn nhân Hoàng Thị Diệm bị sập sọ não và tử vong tại chỗ, để lại niềm thương tiếc cho bà con lối xóm trước số phận thương tâm, nhiều tủi cực của bà.

Bi kịch của người đàn bà nhường nhà cho vợ bé

Là vợ hợp pháp của ông Trần Viết Lam, bà Hoàng Thị Diệm sinh được hai người con gái. Đến năm 1983, khi ông Lam đưa người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Cơ về chung sống không hôn thú dưới một mái nhà, bà Diệm buồn tủi khăn gói vào Buôn Ma Thuột sống cùng con gái. Những năm tha hương, lòng thương nhớ nơi “chôn rau cắt rốn” khiến bà Diệm không nguôi ước muốn về lại quê nhà để sống cuộc đời thanh nhàn, đạm bạc lúc tuổi già. Đến năm 1987, bà Diệm quyết định về quê hương nhưng không trở về ngôi nhà đẫm nước mắt của sự tủi phận và bạc tình của chồng cũ với người vợ hờ mà mượn của chính quyền địa phương 2 kiốt tại chợ Cây Gọ vừa làm nơi ở vừa để bán hàng tạp hóa. Vốn là một nữ hộ sinh hiền hậu đã đón biết bao đứa trẻ của xã Cẩm Nam ra đời nên từ khi trở về, bà Diệm luôn được bà con hàng xóm rất mực kính trọng, quý mến. Ngay cả khi ông Lam chồng bà chết đi, bà Diệm vẫn can tâm ở lại ki ốt, nhường cho vợ bé của chồng mình căn nhà duy nhất mà lẽ ra sẽ phải thuộc về bà.

Tháng 9-2011, chính quyền xã Cẩm Nam thông báo cần lấy lại ki ốt để xây dựng nên yêu cầu bà Diệm sau Tết Nguyên đán 2012 phải dọn đi. Vì lo sợ bà Diệm dọn về nhà cũ thì mẹ mình là bà Nguyễn Thị Cơ sẽ không có chỗ ở và vợ chồng y sẽ phải cưu mang mẹ nên con riêng của bà Cơ là Trần Viết Kỷ đã nảy sinh ý định giết bà Diệm để chiếm nhà cho mẹ.

Tối 10-1-2012, nhân lúc trời mưa, Kỷ đi qua chợ Cây Gọ, quan sát thấy xung quanh ki ốt bà Diệm vắng vẻ nên về nhà lấy hung khí là một cây búa đinh và đi bộ theo đường liên thôn đến chợ để thực hiện ý đồ của mình. Tới nơi, y gõ cửa thì thào: “Mự ơi, con Kỷ đây, mự bán cho con gói bánh quy về cho cháu”. Nghe giọng người thân quen, dù đêm khuya nhưng bà Diệm vẫn nhanh chóng mở cửa. Vừa thấy bà Diệm, Kỷ liền ra tay đánh liên tục vào đầu, vào mặt làm bà ngã xuống nền kiốt. 14 nhát búa oan nghiệt của kẻ gọi chồng mình là “bố” đã làm cho nạn nhân Hoàng Thị Diệm bị sập sọ não và tử vong tại chỗ. Thấy ngang thắt lưng bà Diệm có dây vải giắt trong quần, Kỷ nghĩ trong đó có giấy tờ nhà đất nên kéo túi vải ra lục soát nhưng không thấy gì.

Biết bà Diệm đã chết, Kỷ xóa sạch dấu vết rồi đi về nhà. Cho đến sáng hôm sau, khi người dân phát hiện ra thi thể bà Diệm và báo cho cơ quan chức năng thì Kỷ vẫn thản nhiên cùng mọi người tổ chức tang lễ cho bà với vai trò người nhà, như chưa có chuyện gì xảy ra.

Người thân của nạn nhân tại phiên tòa

Bản án cho lòng tham mù quáng

Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Phòng CSĐTTP về TTXH, phòng Kỹ thuật hình sự phối hợp với công an huyện Cẩm Xuyên nhanh chóng xuống hiện trường phá án. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn, Ban chuyên án đã sàng lọc được đối tượng cuối cùng, tìm ra kẻ thủ ác chính là Trần Viết Kỷ ở thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam. Tại cơ quan điều tra, sau nhiều lần quanh co chối tội, trần Viết Kỷ đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình.

Sáng ngày 31-5, tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng này ra xét xử lưu động tại UBND xã Cẩm Nam dưới sự chứng kiến của người dân địa phương. Cẩm Nam không chỉ là quê hương của bà Hoàng Thị Diệm, nơi có những đứa trẻ từ bàn tay người nữ hộ sinh năm xưa chào đời mà còn là nơi bị cáo Trần Viết Kỷ lớn lên, xây dựng gia đình và sinh sống dựa vào bờ tre gốc lúa nơi đây. Địa điểm tổ chức xét xử lại đối diện với chợ Cây Gọ, nơi người dân quanh năm buôn bán đều gặp gỡ và thấu hiểu hoàn cảnh cuộc đời bà Diệm và cũng chính là nơi xảy ra vụ án oan nghiệt. Vậy nên, từ tờ mờ sáng, hàng nghìn người dân địa phương đã kéo đến, tập trung tràn cả ra sân của hội trường UBND chờ giây phút xét xử vụ án. Dù đang mùa gặt nhưng người dân nơi đây vẫn sẵn sàng nghỉ một buổi làm đồng để đến theo dõi phiên tòa xét xử kẻ thủ ác đã đang tâm giết người hàng xóm nhân từ của họ.

Tại phiên xét xử, tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án Trần Viết Kỷ hình phạt 19 năm tù giam và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân 61.581.000 đồng. Đây là bản án mà pháp luật dành cho hành vi phạm tội của y, còn tòa án lương tâm sẽ hành xử Trần Viết Kỷ thế nào đây khi y để lại cho vợ dại và 3 đứa con thơ một gánh nặng tinh thần và vật chất quá lớn? Người mẹ già cuối cùng cũng phải tủi nhục rời khỏi căn nhà mà y cố giết người để chiếm đoạt? Liệu khi suy tính để hành động mù quáng, Trần Viết Kỷ có bao giờ nghĩ đến hay chăng? Phiên tòa xét xử lưu động cũng là lời cảnh tỉnh cho những ai đang nhen nhóm trong mình lòng tham lam, ích kỷ dẫn đến động cơ đê hèn, đánh mất nhân tính, để họ tránh xa “tham - sân - si” và hướng tới cuộc đời lương thiện.

An Ninh Thủ Đô