Chiều 12-9, sau nhiều giờ họp hội đồng chuyên môn liên quan đến vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn (Quảng Nam), Sở Y tế Quảng Nam đã có kết luận về vụ việc.
Báo cáo cũng được gửi đến Bộ Y tế trong tối 12-9.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hai - giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, hội đồng chuyên môn đã làm việc với cán bộ khoa sản, bác sĩ trực và xác định 3 trường hợp tử vong tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn không có sai phạm về mặt chuyên môn, thái độ, đạo đức.
Nguyên nhân tử vong là có bệnh lý, là khách quan. Qui trình tiếp đón, điều trị cho sản phụ kịp thời. Việc thăm khám, theo dõi và chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh trước trong và sau sinh đảm bảo theo đúng hướng dẫn.
Theo ông Hai, không có ý kiến thắc mắc gì từ phía người nhà của các trường hợp có trẻ sơ sinh tử vong. Trang thiết bị và thuốc cấp cứu sản khoa, thuốc thiết yếu tại khoa sản đảm bảo theo qui định.
Ông Hai cũng nói thêm: “Sở cũng chỉ đạo trung tâm tiếp tục theo dõi, động viên các sản phụ. Đồng thời chúng tôi cũng phải động viên các cán bộ y tế tại trung tâm bởi họ cũng rất sốc, một ca trực mà xảy ra 3 vụ tử vong thì ai cũng sốc cả”.
Cũng theo ông Hai, sau sự việc này, Sở Y tế yêu cầu tất cả các trung tâm y tế ở miền núi khi tiếp nhận các sản phụ có dấu hiệu bất thường phải động viên gia đình cho chuyển lên tuyến trên.
Về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ, hồ sơ cho thấy:
Bé trai con bà Hồ Thị Tiểu Điệp (xã Phước Năng, huyện Phước Sơn): Bệnh chính: Ngạt nặng sau sinh; bệnh kèm: Sơ sinh non tháng, tuổi thai khoảng 32 tuần, trọng lượng 1.600gr, dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, nhiễm trùng sơ sinh. Biến chứng: trụy hô hấp tuần hoàn không hồi phục.
Bé trai con của bà Hồ Thị Phơ (xã Phước Kim, huyện Phước Sơn): Mẹ sinh thường, tiền sản giật, Shock nhiễm trùng gram. Bệnh chính là ngạt nặng sau sinh, bệnh kèm là nhiễm trùng sơ sinh. Biến chứng: Trụy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục.
Bé gái con bà Hồ Thị Íp (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn): Mẹ sinh thường, có dấu hiệu nhiễm trùng ối, con bị nhiễm trùng sơ sinh do nhiễm trùng ối. Đây là yếu tố làm trẻ bị sặc sữa đưa đến tình trạng suy hô hấp, tuần hoàn không hồi phục.