Mùa xuân Ả-rập
Nói đến năm 2011, không ít người sẽ gọi đó là năm của "Mùa xuân Ả-rập". Những sự kiện đình đám liên tiếp diễn ra ở các nước thuộc cộng đồng nói tiếng Ả-rập ở Trung Đông và Bắc Phi đã khiến một phần thế giới thay đổi. Đây cũng là sự kiện tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất kể từ trước tới nay.
"Mùa xuân Ả-rập" là cụm từ được truyền thông thế giới gọi chung cho làn sóng cách mạng, với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình liên tiếp ở quy mô và tần suất lớn chưa từng có xảy ra trong năm qua ở các quốc gia thuộc thế giới Ả-rập. Bắt nguồn từ vụ việc một nam thanh niên tự thiêu vì bị cảnh sát hạ nhục trên một con phố gần như không có tên trên bản đồ ở Tunisia, "mùa xuân Ả-rập" đã bùng lên, lật đổ chế độ độc tài nắm quyền lâu năm ở Tunisia, Ai Cập, Libya và làm lung lay chế độ tại Syria, Yemen và Bahrain.
Bắt đầu bùng phát ở Tunisia, các cuộc biểu tình nhanh chóng lật đổ chế độ độc tài ở quốc gia này, sau đó lan sang Ai Cập, khiến Tổng thống Hosni Mubarak phải chuyển giao quyền lực. Chưa dừng lại ở đó, các cuộc biểu tình còn lan sang Libya, khiến chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi bị thế giới cô lập.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết áp đặt lệnh cấm bay trên không phận Libya, đồng thời hậu thuẫn cho quân nổi dậy đánh chiếm những thành trì của lực lượng trung thành với ông Gaddafi. Cuối cùng, sau 8 tháng giao tranh, chiến sự đã chấm dứt với phần thắng nghiêng về phe nổi dậy, sau cái chết thảm và gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Gaddafi hôm 20/10/2011. Sau đó, việc Saif al-Islam, con trai và được xem là người kế nhiệm ông Gaddafi, bị bắt giữ đã chấm dứt 42 năm cầm quyền của dòng họ Gaddafi ở quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này.
Mùa xuân Ả-rập còn khiến chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria bị lung lay. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người và hàng chục ngàn người khác bị thương. Ngoài ra, "mùa xuân Ả-rập" còn là động lực cho hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trên khắp thế giới trong năm qua.
Thảm họa động đất - sóng thần tàn phá nhật bản
Trận động đất mạnh gần 9,0 độ richter xảy ra ngày 11/3/2011 ngoài khơi Nhật Bản đã gây ra một trong những trận sóng thần kinh hoàng nhất lịch sử, cướp đi sinh mạng gần 16.000 người, làm hơn 3.600 người mất tích, 6.000 người khác bị thương và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Những con sóng có chiều cao lên tới 38,9m ập vào bờ biển Nhật Bản chỉ vài phút sau khi động đất xảy ra khiến người dân không kịp trở tay. Cá biệt, có những khu vực sóng thần lấn sâu vào đất liền tới hơn 10km trước khi cuốn trôi mọi thứ ra đại dương. Khi sóng thần rút đi, nó biến không ít khu vực dân cư đông đúc trở thành những bãi đất hoang vì nhà cửa, xe cộ bị cuốn trôi ra biển. Thậm chí, nhiều con tàu nặng hàng chục ngàn tấn bị những con sóng lớn đưa từ biển vào sâu nhiều km trong đất liền, gây ra cảnh tượng chưa từng có.
Không những vậy, động đất kèm theo sóng thần còn gây ra sự cố nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi số 1, làm cả thế giới đứng ngồi không yên. Đây được coi là sự cố hạt nhân nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử, kể từ sau vụ rỏ rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraina 25 năm trước.
Nó gây ra những vụ nổ hơi nước tại các lò phản ứng, khiến một lượng lớn chất phóng xạ phát tán ra không khí. Hàng triệu người dân đã buộc phải sơ tán khẩn cấp, trong khi đó, các công nhân và lính cứu hỏa liều mình lao vào vùng ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng nhất để phun nước biển làm mát các lò phản ứng.
Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, thảm họa ngày 11/3/2011 có thể gây ra tổng thiệt hại lên tới 309 tỉ USD, con số kỉ lục nhất về những phí tổn do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, với truyền thống, tinh thần kỷ luật và ý chí vươn lên, cả thế giới đều tin tưởng rằng, Nhật Bản sẽ nhanh chóng khôi phục và tái thiết sau thảm họa.
Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt
Ngày 2/5/2011 đánh dấu một mốc quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố trên toàn thế giới, khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt tại nơi ẩn náu nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan.
Theo đó, được Tổng thống Mỹ Barack Obama bật đèn xanh, một toán biệt kích Hải quân Mỹ đã bí mật đột nhập khu nhà được xác định là nơi ẩn náu của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan trên hai chiếc trực thăng siêu tối mật, sau đó thực hiện vụ tấn công kéo dài khoảng 40 phút. Năm phần tử khủng bố đã bị giết, trong đó có trùm khủng bố Osama bin Laden và con trai.
Vụ việc được coi là chiến công vang dội nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng nó lại khiến quan hệ giữa Washington và Islamabad trở nên tồi tệ. Phía Pakistan cho rằng Mỹ đã qua mặt mình trong chiến dịch tiêu biệt bin Laden, trong khi phương Tây cáo buộc Islamabad cố tình che giấu nơi ẩn náu của trùm khủng bố. Vụ việc còn khiến các phần tử al-Qaeda điên cuồng thực hiện những vụ tấn công đẫm máu nhằm trả thù cho thủ lĩnh bị sát hại.
Không một hình ảnh nào về cái chết của bin Laden được công bố, nhưng các nhà chức trách Hoa Kỳ khẳng định nhân vật này đã bị tiêu diệt, đồng thời được thủy táng theo nghi thức Hồi giáo từ một chiếc tàu sân bay của quân đội Hoa Kỳ ngoài đại dương.
Khủng hoảng nợ công châu Âu
Bắt đầu năm 2007 từ Mỹ, khủng hoảng tài chính toàn cầu đã nhanh chóng gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trên khắp năm châu. Năm 2011 được xem là năm khủng hoảng nhất của khu vực đồng tiền chung châu Âu, trước nguy cơ vỡ nợ của một loạt quốc gia, trong đó nghiêm trọng nhất là Hi Lạp.
Bắt đầu năm 2010 nhưng đến năm 2011, người ta mới thấy rõ những ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công Hi Lạp nói riêng và châu Âu nói chung. Không lâu sau, khủng hoảng nợ của Hi Lạp lây sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và tiếp theo là Italy, khiến khối này phải đối mặt với những cơn “địa chấn” thực sự.
Khủng hoảng nợ công ở châu Âu được coi là nguyên nhân gây ra cuộc bạo loạn tồi tệ nhất nước Anh, khi những thanh niên bất mãn đổ ra đường đập phá, hôi của và chống đối lực lượng cảnh sát. Bắt nguồn từ vụ việc một thanh niên bị cảnh sát bắn chết, làn sóng bạo động, đập phá và hôi của đã nhanh chóng lan rộng khắp nước Anh, gây ra tình trạng hỗn loạn chưa từng có tại vương quốc này. Ở Mỹ, cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" lan rộng tuy không xuất phát trực tiếp từ nguyên nhân là cuộc khủng hoảng nợ công, nhưng nó cũng cho thấy những vấn đề nhức nhối tồn tại trong hệ thống kinh tế Mỹ cũng như toàn thế giới.
Khủng hoảng nợ công châu Âu cũng khiến không ít nhà lãnh đạo trong khu vực phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Hi Lạp và người đứng đầu chính phủ Italy. Những cuộc họp của lãnh đạo các nước thành viên EU liên tục được tổ chức nhằm giải quyết tình hình, nhưng mọi sự vẫn trong tình trạng bế tắc.
Vụ thảm sát ở Na Uy
Ngày 22/7/2011 được coi là ngày đẫm máu nhất lịch sử Na Uy, khi sát thủ Anders Behring Breivik thực hiện liên tiếp hai vụ tấn công khủng bố nhằm vào các tòa nhà chính phủ và một trại hè, cướp đi sinh mạng của 77 người, chủ yếu là thanh niên.
Sau khi kích nổ quả bom giấu trong xe hơi bên ngoài văn phòng của thủ tướng và các tòa nhà chính phủ khác tại thủ đô Oslo, kẻ sát nhân Anders Behring Breivik trong trang phục cảnh sát tiếp tục tấn công điểm cắm trại của Công đảng Na Uy ở Utoeya, sát hại 68 người, chủ yếu là thanh thiếu niên. Những nhân chứng cho biết, Breivik tiến gần đến nơi những người bị thương, sau đó hạ sát họ mà không mảy may thương xót.
Vụ việc đã làm chấn động đất nước Na Uy vốn nổi tiếng yên bình. Không lâu sau đó, Anders Behring Breivik bị bắt và bị buộc tội đã thực hiện cả hai vụ tấn công trên. Hắn được xác định là kẻ theo chủ nghĩa cực đoan và chống Hồi giáo.
Các phiên điều trần đã được tiến hành đối với nghi phạm, và phiên xử chính thức dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm tới. Tuy nhiên, hội đồng y khoa đã xác định Breivik bị mắc chứng tâm thần phân liệt thể hoang tưởng. Kết luận này gặp phải sự phản đối kịch liệt của người dân, nhất là những người có thân nhân thiệt mạng trong vụ thảm sát, bởi lập luận kẻ bị tâm thần không thể lên kế hoạch tấn công hoàn hảo đến vậy.
Dù Breivik thực hiện hành vi tội ác một mình, nhưng vụ thảm sát ở Na Uy còn là hồi chuông báo động trên toàn thế giới về sự biến hóa của chủ nghĩa khủng bố và mục tiêu tấn công của nó.
Thế giới chào đón công dân thứ 7 tỉ
Ngày 31/10/2011 được coi là ngày thế giới chào đón công dân thứ 7 tỉ. Tại rất nhiều quốc gia, công dân tượng trưng cho con số 7 tỉ người đã được chào đón nồng nhiệt trong sự mong đợi của gia đình và giới truyền thông. Những đứa trẻ sinh ra đầu tiên trong ngày cuối cùng của tháng 10 ở mỗi quốc gia được coi là công dân tượng trưng cho sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên, việc thế giới có 7 tỉ người sinh sống lại đặt ra không ít những vấn đề đáng lo ngại khác.
Dân số liên tục gia tăng, trong khi diện tích trái đất không hề lớn thêm khiến cuộc sống của loài người trở nên ngày một khó khăn hơn. Thiếu đất sống, con người tàn phá thiên nhiên để tìm nơi sinh sôi, kéo theo hệ lụy môi trường sống của chính bản thân mình cũng bị phá hủy. Ngoài ra, việc tăng dân số nhanh khiến điều kiện sống của con người cũng bị kéo lùi, đồng thời tạo ra lượng rác thải khổng lồ tác động ngược lại cuộc sống của nhân loại.