Nói họ là “người rừng” ở một khía cạnh nào đấy cũng không ngoa, cho dù tộc người này giờ đây không hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Tộc người này đang đối mặt với nhiều nguy cơ, từ đói nghèo, chậm phát triển cho đến nguy cơ tuyệt chủng hoặc suy giảm giống nòi do hôn nhân cận huyết.
Sông Giăng chảy từ Lào sang được coi là dòng sông mẹ của tộc Đan Lai. Trong truyền thuyết, thượng nguồn sông Giăng là nơi người Đan Lai ẩn nấp sự truy sát khi không thể tìm được một trăm cây nứa vàng và một con thuyền liền mái để nộp cho nhà vua. Cuộc sống của người Đan Lai gắn bó với dòng sông nguồn cội như máu thịt, bởi dòng sông nuôi nấng, che chở, tắm mát tâm hồn họ từ trong huyền thoại của tộc người bí ẩn này.
Người Đan Lai hiện nay vẫn chủ yếu sống dựa vào rừng bởi trình độ canh tác của họ quá lạc hậu. Một số thửa ruộng trồng lúa nước, các nương ngô, nương sắn trong rừng không đủ nuôi sống cộng đồng. Mùa giáp hạt, chính quyền và bộ đội biên phòng phải cứu đói cho các hộ. Người dân sống nhờ săn bắn, hái lượm… Tôi đã chứng kiến những người dân đi đào củ trong rừng, bắt nòng nọc và hái rau dại làm thức ăn.
Người Đan Lai không có ngôn ngữ riêng. Văn hóa của họ vay mượn của người Thái từ trang phục, lối sống, nhà cửa… đều bị ảnh hưởng của văn hóa Thái. Người Thái có lẽ là dân tộc gần gũi nhất với tộc Đan Lai bởi cùng sống trên địa bàn cư trú. Có thể vì lý do đó mà người Đan Lai mặc cảm nên ít tiếp xúc với các dân tộc khác và náu mình trong rừng?
Đã có một đề án bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai. Chính quyền đã đưa một bộ phận người dân ra lập các làng mới. Trường học được xây dựng tại các bản làng, bộ đội biên phòng còn giúp dân dựng nhà, hỗ trợ lương thực, hướng dẫn trồng lúa nước… Tuy nhiên, đa số người Đan Lai vẫn ẩn thân trong đại ngàn. Truyền thuyết về người Đan Lai vẫn lập lòe như đốm lửa nhỏ giữa bí ẩn nơi rừng thiêng.