Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 2/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía Bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Vị trí và hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Đến 13h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 220km, cách Nam Định khoảng 300km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107,5 độ Kinh Đông.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, có khả năng đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 04/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, trên khu vực ven biển các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía Tây, suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
Từ chiều 3/7, ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, từ đêm mai tăng dần lên cấp 7-8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Cảnh báo: Diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp gây gió mạnh ở vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định, mưa rất lớn, lũ quét, sạt lở đất trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 11. Biển động rất mạnh.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong đêm nay và ngày mai (3/7) ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa dông, gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2.0-3.5m. Biển động.
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Theo báo cáo của Cơ quan thường trực, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 2/7, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 28.641 phương tiện/103.267 người; 3.526 lồng bè, lều, chòi canh/4.654 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến sáng 2/7, vẫn chưa tìm thấy 9 thuyền viên tàu NA95899 bị chìm ngày 28/6, có 12 tàu cá hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng, 6 tàu hoạt động gần khu vực ảnh hưởng.