Mỗi người cầm bút đều mang trong mình một mong muốn, đó là được viết gì đó có ích cho xã hội, được bạn đọc đón nhận. Tuy nhiên không phải mong muốn nào cũng thành hiện thực. Bởi trong nhiều vụ việc, người dân không muốn báo chí thông tin mà do công việc tuyên truyền, định hướng mình vẫn phải đi, phải đến tiếp cận và phải viết bài...
Đang chìm trong giấc ngủ, thì chuông điện thoại reo. Giật mình tỉnh giấc, đầu dây bên kia giọng trưởng phòng chỉ đạo: "Ở xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có vụ trọng án. Nạn nhân là một cụ già 85 tuổi và hung thủ ra tay sát hại cụ già là một người tâm thần. Chiều nay có bài cảnh báo tình trạng này sớm nhé". Đã từng đi và viết nhiều bài về người tâm thần gây án, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng và gia đình vẫn để cho người tâm thần ở địa phương mà chưa có biện pháp nào đưa những người này đi điều trị, hay có biện pháp quản lý để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Khi những người tâm thần gây án, để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều khi nạn nhân của vụ việc chính là những người thân thiết trong gia đình của đối tượng. Trong khi đó, pháp luật cũng không thể xử lý hình sự được những người tâm thần "gây án". Vậy khi để xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm sẽ thuộc về ai(!?).
Vừa mới đầu tuần đi lấy thông tin vụ bố tái phát bệnh tâm thần, bóp vỡ hộp sọ con gái mới 12 ngày tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, khiến cháu bé tử vong trong sự bất lực của người mẹ và bà nội. Ngày cháu bé ra đời, cũng chính là ngày căn bệnh quái ác của người bố tái phát trở lại. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, khi hung thủ cướp đi sinh mạng của cháu bé lại chính là bố đẻ. Vụ việc đó để trong tôi cảm xúc xót thương cho số phận quá ngắn ngủi của cháu bé và những mảnh đời trong ngôi nhà bất hạnh ấy.
Quãng đường từ trung tâm Hà Nội xuống xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa chỉ khoảng 60 cây số, nhưng đường lầy bụi, xe cộ qua lại lộn xộn, bởi dọc tuyến đường này là đất trăm nghề, nên xe tải trọng lớn qua lại khá đông. Trời nhiều mây sẩm tối, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.
Cuối cùng, tôi cũng đến được nơi vừa xảy ra vụ việc đau lòng mà kẻ thủ ác cũng lại là người tâm thần. Dù biết đối tượng là người tâm thần, nhưng vẫn là kẻ giết người, nên nhiều người bàn tán về cách xử lý của cơ quan chức năng đối với đối tượng. Họ đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm vì buông lỏng quản lý đối với những người bị bệnh tâm thần.
Đến nhà nạn nhân, tiếp xúc với tôi, ông Trần Văn Quynh, con trai nạn nhân cho biết: Ngày hôm đó, 18-4 nhà có giỗ, buổi sáng mọi người đến đông đủ chuyện trò. Thế rồi, Nguyễn Văn An, SN 1977, trú tại đội 3, thôn Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa từ đâu đi đến. Mặc dù biết An mắc bệnh tâm thần nhưng mọi người vẫn mời An vào nhà chơi và chẳng ai nghĩ rằng An lại ra tay sát hại cụ Trần Văn Xạ, SN 1928, trú tại đội 3, thôn Hạ, xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa dã man đến vậy. Đối tượng An là một người họ hàng thân thiết của gia đình ông Quynh nên mọi người đều xem như người trong nhà. Ai ngờ trong lúc không ai chú ý, An rút con dao bầu trong người, đâm thẳng tim cụ Xạ khiến cụ tử vong tại chỗ. Ngoài ra, hắn còn chém một nhát vào tay nạn nhân, rồi bỏ đi. Theo ông Quynh, ngày trước An không như bây giờ, An còn đi xuất khẩu lao động Đài Loan, có vợ, có con đàng hoàng. 10 năm trở lại đây, An phát bệnh tâm thần, gia đình đã đưa đi chữa trị ở nhiều nơi, mấy lần vào trại nhưng An lại về. Hết đi lang thang rồi nói cười, nhiều lúc mọi người phải dỗ hắn như trẻ con. Ông Quynh cho rằng, gia đình không muốn làm lớn chuyện, không muốn kiện cáo bởi sự việc xảy ra khiến gia đình ông quá đau xót. Là PV, tôi hiểu nỗi băn khoăn của ông, vì thế tôi tôn trọng ông không thông tin về sự việc một cách chi tiết. Và cảm thấy mình "vô duyên" trước nỗi đau của người khác, có thể nó khoét sâu thêm nỗi đau của gia đình ông. Đặc biệt là vợ ông, khi chính cháu bà là người ra tay giết hại bố chồng bà. Những vụ việc đau lòng do người tâm thần gây ra cho xã hội như hiếp dâm, giết người… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề quản lý họ thì nhiều lúc, nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mực. Một phần do người dân chủ quan, phần khác do sự thờ ơ của chính quyền địa phương. Nếu các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương sớm có biện pháp đưa người mắc bệnh tâm thần đi điều trị, chí ít cũng cách ly họ khỏi cộng đồng, thì đã không có những sự việc đau lòng tương tự như thế này xảy ra.