TIN TỨC » Tin trong ngày

Bé 1 tuổi tử vong do bà nội cho uống nhầm nước tẩy quần áo đựng trong chai trà xanh

Thứ năm, 21/11/2019 06:56

Do ông nội nạn nhân sử dụng chai trà xanh đựng dung dịch nước tẩy quần áo đã qua sử dụng để gần giếng nước, người thân không biết đã mang vào tủ mát để. Sau đó bà nội thấy bé khát nước đã lấy nhầm cho cháu uống.

Tối 20/11, tin từ UBND xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến một cháu bé trên địa bàn vừa tử vong do người thân cho uống nhầm nước tẩy.

Theo thông tin ban đầu, trước đó, ông nội của bé T.M.H. (1 tuổi; ngụ xã Khánh Thuận) đã sử dụng chai trà xanh đựng dung dịch nước tẩy quần áo đã qua sử dụng để gần giếng nước.

Sau đó, người thân trong gia đình không để ý và cho rằng đó là chai chứa nước uống nên đem vào để trong ngăn mát tủ lạnh của gia đình.

Đến trưa cùng ngày, trong lúc đang giữ cháu H., bà nội thấy cháu khát nước nên vào ngăn mát tủ lạnh lấy nước cho cháu uống nhưng do lấy nhầm chai nước trà xanh chứa dung dịch nước tẩy khiến cháu H. tử vong.

Có nhiều loại hóa chất được dùng trong gia đình vì vậy các tai nạn do uống phải hóa chất cũng thường gặp nhất là ở trẻ em.

Việc chứa đựng, san sẻ các hóa chất gia dụng sang các vỏ chai đựng nước uống (vỏ lavie…) là nguyên nhân của nhiều vụ uống nhầm tai hại gây ngộ độc hóa chất gia dụng.

Ảnh minh hoạ.

Nếu chẳng may gặp phải trường hợp tương tự, chúng ta cần giải thích trấn an trẻ để bệnh nhân không sợ hãi, hợp tác để giúp tìm hiểu và xử trí chính xác hoàn cảnh đang xảy ra. Nhanh chóng tìm hiểu các thông tin cơ bản hóa chất gây nhiễm độc để có xử trí đúng nhất: tìm kiếm, kiểm tra các hóa chất trong nhà để xác định tên hóa chất nạn nhân đã uống phải, hỏi bệnh (đặc biệt là với trẻ em) nhiều lần để xác định và kiểm tra các thông tin về loại hóa chất số lượng, thời gian uống và các thông tin liên quan khác.

Để sơ cứu ban đầu, người nhà nên cho bệnh nhân uống nước hoặc sữa để pha loãng độc chất: hầu hết các trường hợp uống các chất tẩy rửa trong nhà như xà phòng tắm, dầu gội đầu, nước rửa bát, chỉ cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc sữa để pha loãng hóa chất, giảm kích thích niêm mạc. Cần uống nhiều nhưng từ từ tránh nôn sặc, theo dõi trẻ trong vòng vài giờ, để trẻ ở tư thế ngồi để dễ nôn tự nhiên.

Khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, trụy mạch, sốc cần gọi vận chuyển cấp cứu và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Trong khi chuyển đến bệnh viện cần đặt trẻ ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng sang một bên.

Đức Hoà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới