Theo Thạc sĩ- bác sĩ Nguyễn Văn Lâm- Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cháu Tuấn nhập viện ngày 20/9, trong tình trạng suy gan-thận, nguy kịch.
Trước đó 4 ngày, cháu Tuấn đã tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Lai Châu do sốt cao, đau đầu, mệt mỏi và đi tiểu ít. Tuy nhiên, do bệnh nặng nên cháu được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo bác sĩ Lâm, lúc nhập viện, bé Tuấn đã bị vi khuẩn đã đi qua da, niêm mạc vào máu và khu trú vào các tạng gan, thận gây suy gan-thận. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhi có thể nhanh chóng tử vong.
Các bác sĩ đã điều trị cho cháu bằng kháng sinh đường tĩnh mạch, thuốc lợi tiểu kết hợp bù nước, điện giải. Rất may, sau hơn 1 tuần điều trị tích cực tại Khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cháu Tuấn đã hết sốt, tỉnh táo, ăn uống được và tiểu tiện bình thường.
Thạc sĩ-bác sĩ Lâm cho hay, xoắn khuẩn vàng da được truyền sang người từ các loài động vật như gia súc (cừu dê, lợn, chó, mèo…), động vật hoang dã (gấu, báo, chuột).
Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường da, niêm mạc do tiếp xúc với nước, bùn, đất có nhiễm xoắn khuẩn hoặc qua đường tiêu hóa khi người bệnh ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh.
Môi trường lý tưởng để xoắn khuẩn vàng da tồn tại là bùn lầy, nước đọng, nước cống rãnh ruộng đồng, khe suối.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo các gia đình nên thận trọng khi cho trẻ chơi đùa ở những nơi có bờ, bụi rậm rạp hay ao hồ bùn lầy vì trẻ có thể bị lây bệnh từ những loại côn trùng mang mầm bệnh.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên để mắt tới các loại vật nuôi như chó, mèo, loài gặm nhấm như chuột và các loại gia súc (trâu, bò, heo, ngựa, ...).
“Xoắn khuẩn vàng da có thể tồn tại trong nước tiểu các con vật mang bệnh này trong thời gian dài nhiều năm. Người bệnh bị lây nhiễm do tiếp xúc với các bệnh phẩm như nước tiểu, khi vuốt ve, vệ sinh cho chúng”, bác sĩ Lâm cảnh báo.