PV chúng tôi tới bệnh viện đa khoa Hà Đông để tìm hiểu sự việc cũng đúng lúc cơ quan pháp y đang mổ tử thi của anh H. để xác định nguyên nhân cái chết. Sự việc đau xót trên đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về y đức cũng như trách nhiệm của những lương y mang danh cao quý: "Từ mẫu".
Bệnh nhân vái lạy, bác sĩ thờ ơ...
Chúng tôi tìm đến khoa Lao và bệnh phổi, bệnh viện đa khoa Hà Đông Hà Nội, để tìm hiểu sự việc trên. Bà Hồng, người cùng khoa với anh Đặng Đình H. cho biết: "Anh H. vào đây đã được mấy ngày, đến ngày 20/4 thì anh H. luôn miệng kêu khó thở, thỉnh thoảng lại ngửa cổ lên để ngáp. Thương con, mẹ anh H. chạy lên chạy xuống nhiều lần để gọi bác sỹ, nhưng bác sỹ chỉ trả lời "về nằm im và hạn chế cử động". Anh H. không thở được cứ gục vào vai người mẹ. Có lúc anh H. kêu "mẹ gọi bác sỹ đi không con chết mất", chúng tôi nhìn hai mẹ con anh H. vừa thương, vừa xót ruột, nhưng không giúp gì được, chỉ biết bảo bà Phúc, mẹ đẻ anh H., cứ lên phòng ông bác sĩ Quang (bác sĩ trực hôm đó) để gọi ông ấy khám cho.
Đến khi không thể chịu đựng được nữa, anh H. cố lấy sức lực cuối cùng, chạy lên phòng bác sĩ Quang vái lạy bác sỹ cầu xin bác sỹ cho mình thở ôxy. Nhưng vị bác sỹ thay vì cấp cứu bệnh nhân đã quát: "Đây là bệnh nhân của ông Lợi, tôi mà động vào mai ông ấy đến lại rách việc!". Sau câu nói của ông Quang, anh H. ngã gục bất tỉnh, nước hồng chảy ra cả mũi và miệng. Lúc đó ông Quang mới cấp cứu cho anh H., mọi người xúm vào bế anh H. ngồi vào chiếc xe lăn chở lên khoa cấp cứu hồi sức. Anh H. bất tỉnh từ hôm 20, đến ngày 25/4 anh H. mất. Bây giờ bác sỹ pháp y đang mổ tử thi của anh H., thật là đau xót". Vừa nói, bà Hồng đưa tay chỉ cho chúng tôi về phía khoa giải phẫu bệnh lý.
Tại nhà tang lễ bệnh viện đa khoa Hà Đông, ông Đặng Đình Ba, chú ruột của anh H. khi nghe tin cháu qua đời đã bay từ Nga về Việt Nam. Ông Ba cho biết: "Gia đình chỉ muốn làm rõ về cái chết của cháu tôi. Chết vì nguyên nhân gì, do bệnh tới lúc phải chết, hay do sự tắc trách, thiếu trách nhiệm, thậm chí là sự vô lương tâm của người thầy thuốc!".
Bà Phạm Thị Phúc, mẹ đẻ anh H. nức nở: "Gia đình tôi có bốn người con, thằng H. là con trai cả, năm nay 37 tuổi, các em của nó đã yên bề gia thất, còn nó chuẩn bị cưới vợ. Bây giờ nó nằm trong kia kìa". Bà Phúc nói trong tiếng nấc nghẹn. Tôi động viên an ủi bà, sau khi lấy lại được bình tĩnh, bà Phúc nói tiếp: "Từ nhỏ tới giờ nó chưa ốm đau bao giờ. Mấy hôm trước nó kêu mệt, sốt nhẹ, tôi đưa nó đi khám ở bệnh viện huyện Chương Mỹ, bác sĩ nói nó bị viêm phổi, phải đưa lên bệnh viện đa khoa Hà Đông. Tới điều trị tại khoa Lao và bệnh phổi, nó nói con đi điều trị xong về cưới vợ nên mẹ yên tâm. Vậy mà..."
Trao đổi với ông Đào Thiện Tiến - phó giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông, Hà Nội, ông Tiến cho biết: "Bệnh viện có bệnh nhân tử vong, điều trước tiên khiến chúng tôi rất buồn. Hiện tại chúng tôi chưa thể cung cấp được bất cứ điều gì cho cơ quan báo chí mà phải chờ kết quả giám định và kết luận của cơ quan pháp y".
Khi được hỏi về việc anh H. phải vái lạy bác sỹ Quang để cứu mình, ông Tiến cho biết: "Nếu quả thật sự việc đúng như báo chí đã phản ánh, hành động đó đối với người bình thường cũng không thể chấp nhận được, chưa nói đó lại là một bác sỹ. Tuy nhiên mọi việc đều phải thẩm định một cách chính xác. Ngay sau khi xảy ra sự việc, ban lãnh đạo bệnh viện đã có cuộc họp, yêu cầu bác sỹ Quang phải viết tường trình".
Theo một số chuyên gia y khoa, khoa phẫu thuật lồng ngực cho biết: Trường hợp của bệnh nhân H. là viêm phổi cấp, dẫn đến suy hô hấp. Đối với trường hợp này bệnh nhân cần được thông khí, hỗ trợ thở ôxy. Nếu không cấp cứu kịp thời (không cho bệnh nhân thở ôxy) bệnh nhân rơi vào trạng thái suy hô hấp, thiếu ôxy não. Và tử vong là điều khó tránh, từ dân dã gọi là bệnh nhân bị chết đuối cạn.
Nhập viện mới được thở ôxy(!)
Bệnh nhân bị hôn mê, khó thở, phải cấp cứu, nhưng y tá đã rút ống thở ôxy để đưa bệnh nhân đi làm thủ tục nhập viện. Hậu quả bệnh nhân tử vong. Đó là trường hợp của anh Vũ Thanh B. 31 tuổi ở Long Biên, Hà Nội.
Theo lời kể của chị Phạm Thị Lâm, vợ anh B: Anh B. được đưa vào bệnh viện Việt Đức, do tiền sử bị bệnh lao. Tại đây các bác sĩ tư vấn cho gia đình nên chuyển anh B. tới bệnh viện phổi Trung ương để được điều trị đúng chuyên môn. Khi chuyển anh B. từ Việt Đức tới viện Phổi, các bác sỹ Việt Đức đặt ống thở ôxy do anh B. trong tình trạng khó thở.
Tới bệnh viện Phổi, anh B. được đưa vào phòng cấp cứu, nhưng y tá của bệnh viện đến đề nghị, đưa bệnh nhân ra làm thủ tục nhập viện. Lúc này anh B. không được thở ôxy cũng không có sự trợ giúp nào. Chị Lâm thấy chồng kêu khó thở nên đề nghị y tá cho thở ôxy nhưng cô y tá đó nói phải chờ làm xong thủ tục nhập viện thì mới tiếp tục thở ôxy?(!).
Theo lời chị Lâm thuật lại, trong lúc chờ đợi người nhà làm thủ tục, một y tá khác của bệnh viện yêu cầu người nhà đưa bệnh nhân B. quay trở về phòng cấp cứu, nhưng chưa đến nơi anh B. đã tím tái, co giật, sùi bọt mép. Lúc này anh B. được đưa vào khoa hồi sức cấp cứu. Tuy nhiên hơn một giờ sau anh B. đã tử vong. Theo nhận định ban đầu bệnh nhân chết do sai quy trình cấp cứu.
Trao đổi với tiến sỹ chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực (xin được giấu tên), ông này cho biết: Tôi thật sự cảm thấy sốc, vì gần đây nhiều bệnh nhân đã phải chết oan bởi những căn bệnh nêu trên không phải là quá nguy hiểm, không thể chữa trị mà do sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của một số y bác sỹ. Nhiều y bác sỹ do tắc trách, chủ quan, kiến thức chuyên môn yếu, nhưng lại muốn thể hiện đã gây hậu quả thật khôn lường. Điều tôi thấy buồn nhất, hiện đang có rất nhiều con sâu làm rầu nồi canh, làm ảnh hưởng tới uy tín của những bác sỹ lao động chân chính. Trường hợp của anh B. thiệt mạng là do đội ngũ y bác sỹ trực hôm đó vừa vô trách nhiệm vừa thiếu kiến thức chuyên môn, tôi cho là rất kém. Theo tôi, ngành y cần xem xét lại khâu đào tạo.
Qua sự việc trên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, cần xem xét trách nhiệm hình sự của thầy thuốc, nếu biết rõ tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh mà không cứu giúp. Con người là vốn quý nhất, không thể mang tiền để bồi thường, mua đổi tính mạng.
Điều 102: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng 1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |