TIN TỨC » Tin trong ngày

Bị chó nhà cắn, 2 bố con tử vong thương tâm vì chủ quan không đi tiêm phòng

Thứ sáu, 05/04/2019 11:15

Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, 4 người trong một gia đình ở Hòa Bình đã bị con chó nhà cắn nhưng lại chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại nên ngày 2 và 3/4 vừa qua, 2 bố con đã phát bệnh dại và tử vong thương tâm.

Ngày 5/4, ông Bùi Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trường hợp tử vong do bệnh dại. Nạn nhân là 2 bố con bị chó nhà cắn cách đây 2 tháng.

Ảnh minh hoạ.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 6/2 (tức mùng 2 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019), gia đình anh B.V.T. (SN 1987) có 4 người bị con chó nhà nuôi cắn. Con nó nuôi đã cắn anh T., vợ và 2 con anh gây chảy máu.

Sau đó, anh T. đã nhốt con chó lại nhưng tiếp tục bị nó cắn nên anh T. đã dùng dao chém chết con chó rồi đem chôn.

Do chủ quan, sau khi bị chó cắn, cả gia đình anh T. không đi tiêm vắc-xin phòng dại. Nhiều hàng xóm khuyên gia đình nên đi tiêm phòng dại nhưng gia đình từ chối vì cho rằng không sao.

Bẵng đi một thời gian, đến ngày 31/3, anh T. bị nấc, khó thở, có biểu hiện sợ nước, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, tinh thần hoảng loạn… liền được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn cấp cứu và được chẩn đoán nghi mắc bệnh dại từ chó.

Ngay sau đó, anh T. được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhưng bệnh quá nặng nên đã được bệnh viện trả về đến ngày 2/4 thì anh T. tử vong. Một ngày sau, con trai 7 tuổi của anh T. cũng đã tử vong thương tâm.

Với tỷ lệ gần như 100% tử vong sau khi phát bệnh, bệnh dại (thường do chó cắn) được coi là một trong những hiểm họa vô cùng đáng sợ mà loài người có thể gặp phải. Tuy nhiên trên thực tế, còn nhiều người chưa có hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này cũng như những cách để xử lý khi bị chó dại cắn.

Theo các bác sĩ tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, khi bị chó cắn, cần sơ cứu và rửa ngay vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch trong vòng 15 phút. Tốt nhất nên rửa vết thương dưới vòi nước chảy sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết thương. Có thể sử dụng các chất sát trùng thông thường, sẵn có trong nhà như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Khi nạn nhân bị mất máu quá nhiều, cần đưa đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu cầm máu kịp thời.

Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó cắn, không nặn bóp, bôi dầu hỏa hoặc các chất kích thích hoặc đắp lá vào vết thương. Người bị chó cắn phải đến ngay các điểm tiêm văcxin phòng dại để được khám, xử lý vết thương theo quy trình khi bị súc vật cắn. Tại đây, bệnh nhân sẽ được tư vấn tiêm văcxin dại hoặc tiêm cả huyết thanh kháng dại để phòng bệnh dại.

Không có bất kỳ chống chỉ định nào về điều trị phòng bệnh dại. Phụ nữ có thai vẫn phải tiêm văcxin hoặc huyết thanh kháng dại.

Đến nay, cả y học hiện đại cũng như y học cổ truyền đều khẳng định không chữa được bệnh dại khi đã lên cơn. Tử vong do bệnh dại hầu như không tránh khỏi. Biện pháp duy nhất để cứu giúp người bệnh là điều trị bằng văcxin và huyết thanh kháng dại ngay sau khi bị động vật mắc bệnh dại cắn.

Không được chữa bệnh dại bằng thuốc nam, thuốc đông y, kể cả thuốc Tây để tránh những chết oan uổng do thiếu hiểu biết.

Đức Hoà (TH - Nld.com.vn)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới