Từ anh em con cô, con cậu, rất nhiều cặp trai gái ở A Lưới trở thành… vợ chồng. Cha mẹ của những cặp phu thê này cũng từ chỗ là anh em ruột bỗng trở thành thông gia.
Hạnh phúc buồn
Gia đình vợ chồng bà Nguyễn Thị Rương và ông Quỳnh Piềng ở thôn Kê, xã Hồng Vân, được nhiều người dân địa phương kính nể bởi có người con trai cả hiện là cán bộ. Đó là anh Hồ Văn Kiền, hiện công tác tại Công an xã Hồng Thủy. Trò chuyện với chúng tôi, bà Rương và ông Piềng cứ tấm tắc khen ngợi người con trai của mình. “Hắn đã lấy vợ và sinh sống ở Hồng Thủy nhưng hay về thăm nhà lắm”- bà Rương kể.
Kiền đã lấy vợ cách đây gần 10 mùa rẫy và hiện đã có 2 người con. Vợ của Kiền - chị Nguyễn Thị Xuyền - là con gái của ông Quỳnh Sang. Ông Sang là anh ruột của bà Rương, nên con dâu đầu của bà Rương cũng chính là người cháu của bà. Tôi hỏi tại sao lại để con trai mình lấy chị con cậu làm vợ, bà Rương cười tít mắt, nói đó là phong tục của người Pa Kô cũng như các dân tộc khác ở A Lưới. “Làm theo phong tục của ông bà tổ tiên thì có chi sai mô”- bà Rương giải thích.
Trường hợp lấy con cậu làm vợ như con trai bà Rương xảy ra khá nhiều ở xã Hồng Vân cũng như các địa phương khác của huyện miền núi A Lưới. Nhiều cặp vợ chồng thuộc diện này hiện đã bước sang tuổi ông, tuổi bà, nhiều cặp khác thì mới cưới.
Bà Trần Thị Sương (56 tuổi) ở thôn Ca Cú 1, xã Hồng Vân, kể rằng, ngày còn nhỏ, bà rất thân với người anh con cô là Hồ Văn Giang. Từ tình thương anh em, giữa hai người đã nảy nở tình yêu trai gái. Một ngày nọ, bà Căn Khá - mẹ ông Giang - mang lễ vật qua nhà em trai Quỳh Phơn - bố bà Sương, xin cưới cháu về làm vợ cho con trai. Từ đó, ông bà chính thức trở thành vợ chồng.
Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ (cha, mẹ đối với con; ông, bà đối với cháu nội, cháu ngoại), giữa những người có cùng nguồn gốc sinh ra trong phạm vi 3 đời.
“Ngày trước lấy nhau như ri chủ yếu do cha mẹ ép buộc nên rất ít cặp thành vợ thành chồng từ tình yêu thực sự. Bây giờ con cô lấy con cậu chủ yếu do chúng nó thương nhau, chứ không phải do gia đình ép buộc nữa”- bà Sương kể.
Hiện vợ chồng bà Sương có 5 người con đã trưởng thành. Bà cười tủm tỉm, bảo bà vừa có thể gọi mẹ ông Giang là mẹ chồng vừa có thể gọi là cô, còn ông Giang gọi cha của bà là bố vợ hoặc cậu đều đúng.
Chúng tôi biết một trong nhiều trường hợp con cô, con cậu lấy nhau mới nhất ở A Lưới qua lời giới thiệu của một cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện. Đó là trường hợp vợ chồng chị Hồ Thị Canh (SN 1988, ngụ thôn A Rỉ, xã Hương Nguyên), mới kết hôn cuối năm 2011.
Mồ côi cha từ sớm, mẹ đi lấy chồng, nên từ nhỏ Canh đã phải sống với gia đình người cậu ruột. Những ngày tháng sống trong gia đình cậu đã khiến Canh và người anh con cậu có một tình cảm gắn bó đặc biệt. Sau đó, người cậu quyết định tác hợp cho hai anh em thành vợ chồng theo phong tục.
Chính quyền “không nghe, không thấy”
Những ngày rong ruổi ở miền sơn cước A Lưới, chúng tôi được người dân kể rất nhiều câu chuyện hạnh phúc buồn bởi vợ chồng cận huyết thống. Trong khi chuyện con cô kết hôn với con cậu xảy ra khá nhiều trên địa bàn thì chính quyền nhiều xã lại không nắm được tình trạng này.
Sau khi được ông Trần Quốc Hải - cán bộ dân số xã Hồng Vân, cung cấp một số trường hợp anh em thành vợ chồng trên địa bàn, chúng tôi gặp Chủ tịch UBND xã là ông Hồ Xuân Vinh để nắm thêm thông tin. Vậy nhưng ông Vinh cho biết tình trạng này chỉ xảy ra trước đây, lâu giờ ông không nghe, không thấy.
Hai cán bộ tư pháp xã Hồng Vân là ông Hồ Văn Nghiệp và Nguyễn Văn Duyên thì cho rằng, khi các cặp trai gái đến đăng ký kết hôn, bộ phận tư pháp xã chỉ dựa vào hồ sơ mà xác nhận. “Mình cấp giấy đăng ký kết hôn là dựa trên tờ khai, họ làm trái thì tự chịu”- ông Nghiệp nói. Ông Duyên thì bảo rằng, tình trạng hôn nhân cận huyết có thể là có, nhưng qua đăng ký kết hôn, bộ phận tư pháp xã không phát hiện.
Bà Hồ Thị Tư - Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới, thừa nhận tình trạng hôn nhân cận huyết vẫn đang tiếp tục xảy ra ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Theo bà Tư, việc các xã ngại cung cấp thông tin về hủ tục này do sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền. “Cán bộ xã vẫn tuyên truyền nhưng chưa ngăn chặn được vấn nạn này, nhưng nói ra thì sợ ảnh hưởng đến thành tích”- bà Tư cho biết.
Kỳ 2: Cơn mê truyền kiếp