Mối tình thanh mai trúc mã
Cô Liên kể: Những năm chiến tranh, thanh niên đều lấy nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc làm lẽ sống, chú Nguyễn Vĩnh Tiến người yêu của cô cũng thế. Cô Liên bảo, chú Tiến là người tầm thước, da ngăm đen, tính tình sôi nổi, hay hát, hay cười, có chiếc răng khểnh rất duyên, lại có tài đá bóng giỏi. Trong khi cô là một thiếu nữ mảnh dẻ, xinh đẹp, múa dẻo hát hay nổi tiếng.
Tuổi thơ của chú Tiến vất vả, lăn lộn để kiếm sống bằng nghề bán lạc rang tại thị xã Hà Đông, còn cô là tiểu thư khuê các, con nhà tư sản nổi tiếng giàu có (thời điểm đó gia đình cô đã có công ty vận tải riêng). Xuất thân từ trong hai gia đình thân thế khác nhau, nên cô và chú như hai khoảng trời riêng, cô bảo: “Chú đôn hậu, dễ gần, từng trải, giàu vốn sống thì cô lại là người ích kỷ, ngây thơ”.
Hồi ấy, hai người cùng học chung trường phổ thông Lê Hồng Phong, Hà Đông. Cứ ngỡ sự khác biệt về xuất thân và tính cách làm hai người không thể gần nhau. "Tình yêu vốn không thể lý giải, cô và chú Tiến cũng vậy. Sau bao năm học, giữa cô và chú đã nảy sinh tình cảm trong sáng, thắm thiết ở lứa tuổi học trò. Mỗi lần chú Tiến đi đá bóng giao lưu với các đội bóng trường khác, cô phải viện lý do trốn nhà đi cổ vũ, còn mỗi khi cô biểu diễn văn nghệ chú lại là khán giả ngồi ở hàng ghế đầu. Mối tình thanh mai trúc mã giữa cô và chú Tiến lúc đó được bạn bè ngưỡng mộ, vun đắp nhiệt tình. Lớn lên, chú nhập ngũ, huấn luyện trên Sơn Tây còn cô làm kế toán ở Xí nghiệp ươm tơ huyện Hoài Đức. Hai người lúc này ít có thời gian bên nhau, nhưng tình yêu giữa cô và chú vẫn nồng nàn lắm", cô Liên trải lòng.
Cô kể, hồi đó vì muốn được gần chú nên cô đã viết huyết thư xin vào bộ đội, hi vọng được hành quân cùng chú vào tận chiến trường. Nhưng do nhiều lý do nên ước nguyện đó không thành hiện thực. "Chú Tiến muốn cô hiểu thế nào là đời lính, nên đã viết nhật ký quân ngũ. Còn cô viết nhật ký về mình để cho chú hiểu được nỗi nhớ nhung chờ đợi của người con gái đã ước nguyện được kết tóc se duyên cùng người mình yêu. Cô luôn mơ mối tình đầu trong sáng giữa cô và chú Tiến có một hôn nhân hạnh phúc", cô Liên mỉm cười.
"Khi ấy, tranh thủ những dịp chú Tiến được về thăm nhà, cô muốn tổ chức đám cưới, nhưng chú Tiến vẫn lưỡng lự. Bởi chú ấy biết rằng cuộc chiến tranh còn kéo dài, trong thời gian ngắn nữa thôi chú sẽ lên đường vào Nam chiến đấu. Chiến tranh không biết trước điều gì diễn ra, nếu không may chú hi sinh, một mình cô phải gánh vác gia đình, và bố mẹ già thì quá sức của cô". Dù chú Tiến đang bận luyện quân, nhưng cô vẫn âm thầm chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới. Thời đó cuộc sống khó khăn thiếu thốn, cô phải nhờ bạn bè mới sắm được chăn, gối. Nhưng khi cô chuẩn bị xong thì chú nhận được lệnh lên đường nên mọi ý định trở thành dang dở”, cô Liên bồi hồi.
“Anh về trong giấc mơ”
Đầu xuân năm 1968, đơn vị của chú Tiến nhận được lệnh vào chiến trường. Trước khi đi chú Tiến về gặp cô, khi nhìn thấy đôi gối mà cô đã chuẩn bị cho đám cưới chú đã ôm ghì lấy và khóc. Trước khi ra đi, cô tặng chú chiếc khăn tay thêu bông hoa hồng màu tím, còn chú tặng cô cuốn nhật ký chú viết thời gian chú luyện quân, cùng với chiếc nhẫn đính hôn do tay chú làm, với hẹn ước: "Nếu anh không về, lúc nào em nhận được chiếc khăn tay này từ đồng đội của anh, lúc đó em hãy đi lấy chồng, em yêu và lấy ai không vội vàng hấp tấp đâu nhé. Còn cô hứa sẽ đợi chú, chú còn nhắn, nếu sau này anh hi sinh, chỉ có em mới đón được anh về".
Từ ngày chú đi, đêm nào cô cũng viết nhật ký về chú, để thể hiện tình cảm yêu thương. Nhiều lần cô mơ về chú trên bước đường hành quân, nhưng có một giấc mơ nó ảm ánh cô suốt cả cuộc đời, đó là giấc mơ có thật. Đó là đêm 31/5/1968, cô thấy chú mặt mày đầy máu, hai anh lính dìu hai bên phía sau là lửa cháy ngút trời, quang cảnh hãi hùng đó diễn ra trên một ngọn đồi. Tỉnh dậy sau giấc mơ, cô nhìn đồng hồ lúc đó đã 1h30 ngày 1/6. Cô linh cảm rằng điều không tốt đã diễn ra, trong đêm và chuỗi ngày sau đó cô đã khóc, đau khổ và cô không thiết sống nữa.
Vào một đêm tháng 8/1968 cô lại thấy chú về, chú báo mộng cho cô: Đơn vị của anh đã về đến Thạch Thất, Hà Tây (nay là Hà Nội), em lên đó nhận lại kỷ vật của anh, em đến Thạch Thất gặp cây cầu gỗ, qua cầu em rẽ trái, gặp làng đầu tiên bên trái, gặp nhà có cổng bên trái vào gặp anh Thuần (hiện nay bác Thuần đã nghỉ hưu và sống tại thị xã Hà Đông). Khi tỉnh dậy, cô vội lấy xe đạp đi theo chỉ dẫn của chú Tiến đến gặp bác Thuần. Ngày đó chiến tranh việc hành quân của bộ đội tuyệt đối được giữ bí mật, nên khi cô đến, bác Thuần và nhiều đồng đội của chú Tiến hết sức ngạc nhiên tại sao cô biết được chỗ đơn vị dừng chân.
Nhận lại kỷ vật của người yêu, cô như chết lặng, cô biết chắc chắn rằng chú đã hi sinh thực sự. Cô kể về giấc mơ của mình cho bác Thuần, bác xác nhận chú Tiến đã hy sinh đúng như thế. Đó là trận đánh ở cao điểm 222 tại chiến trường Quảng Trị vào ngày 31/5/1968, trước sức tấn công của quân ta, để bảo vệ được vị trí này, quân Mỹ đã dùng bom xăng thả xuống khu vực hủy diệt cả ta và địch...
Chú tiến hy sinh, tình yêu của cô dành cho chú là quá lớn nên cô nghĩ sẽ không thể yêu ai được nữa. Năm 1968 cô đi học lớp kế toán, trường tản cư về Quốc Oai, Hà Tây. Hằng đêm, sau khi đi làm, hay đi biểu diễn văn nghệ về cô lại lặng lẽ trốn bạn bè của mình ra sau bờ ao khóc một mình. Bạn bè hiểu được tâm trạng của cô nên hay nói đùa: "Thôi để bọn mình làm mai cho một anh". Lời nói đùa của bạn bè đến tai mẹ chồng cô bây giờ. Mẹ chồng của cô thấy cô nết na, hiền thục nên ngỏ lời cưới cô cho người con trai của mình, đó là nhà giáo Nguyễn Doãn Hùng.
Cô tâm sự: "Khi gặp chồng cô bây giờ cô không thích chút nào, chắc có lẽ cô đã dành tình yêu tuổi trẻ cho chú Tiến hết rồi. Nhưng có một lần cô đang ngồi học bài, nhìn ra bên ngoài ô cửa cô thấy chú Tiến về, cô mừng rỡ hét lên: “Anh Tiến về rồi!” và chạy vội ra nhưng khi đến nơi đó không phải là chú Tiến mà là chú Hùng. Sau lần đó, cô nghĩ: "Chắc anh Tiến đã chọn anh Hùng cho mình" nên cô đồng ý lấy chú Hùng làm chồng".