Khi nói về ba chị em nhà họ Tống, dân gian có câu: “Đại tỷ ái tài, nhị tỷ ái quốc, tam muội ái quyền”. Chị cả Tống Ái Linh là vợ của Bộ trưởng Bộ tài chính Quốc dân đảng Khổng Tường Hy. Chị hai Tống Khánh Linh có chồng là nhà cách mạng nổi tiếng Tôn Trung Sơn, còn em út Tống Mỹ Linh là phu nhân của Tưởng Giới Thạch. Mỗi người có những nét tính cách rất riêng biệt và chọn cho mình ba đường đời khác nhau.
Là người có tuổi thọ cao nhất (1897 - 2003) trong số ba chị em, Tống Mỹ Linh sống qua ba thế kỷ và ra đi ở tuổi 106 mà không để lại bất kỳ ghi chép nào. Khi còn sống, thường xuyên có người khuyên bà viết hồi ký nhưng bà đều lịch sự từ chối. Tống Mỹ Linh không có con và cũng chẳng để lại tài sản ở Mỹ hay Đài Loan. Đâu là sự thực về số gia sản bí ẩn của người phụ nữ từng được ví von là “nữ triệu phú” thời Quốc Dân Đảng này? Triệu phú giàu có thời Quốc dân đảng Tống Mỹ Linh thừa kế đầu óc kinh doanh và khả năng kiếm tiền của cha mình. Bà luôn tỏ ra tinh nhanh và thấu hiểu sâu sắc nguyên lý về mối quan hệ giữa quyền lực và tiền tài của người Trung Quốc.
Khi còn trẻ, Tống Mỹ Linh đã thể hiện rõ ham muốn chính trị và quyền lực của mình. Tháng 12/1927, bà kết hôn với Tưởng Giới Thạch, sau đó trở thành thư ký kiêm phiên dịch tiếng Anh cho chồng. Bà đã giới thiệu cho Tưởng Giới Thạch rất nhiều về văn hóa, chính trị của phương Tây. Điều đặc biệt là sau khi kết hôn, Tống Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch độc lập với nhau về tài chính. Trong một thời gian dài, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ và các tổ chức xã hội nên nguồn thu nhập rất phong phú. Ví như năm 1936, bà giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hàng không Trung Quốc, tích cực tham gia xây dựng, mở rộng không quân của Quốc dân đảng. Bà còn từng đảm nhận chức vụ “Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Trung Hoa”, sau đó giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Phụ Nhân, Chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm phục hồi sức khỏe Chấn Hưng, ủy viên thường trực Hội đồng quản lý bảo tàng Cố Cung...
Ngày 26/12/1934, tờ Giang Nam chính báo đăng một tin ngắn nói về tài sản của vợ chồng Tống Mỹ Linh, trong đó ước đoán tài sản của Tưởng Giới Thạch là 1.300 vạn đồng bạc, Tống Mỹ Linh là 3.500 vạn đồng bạc. Một đồng bạc lúc đó tương đương 60 NDT bây giờ. Nếu như tin tức trên là đúng thì tài sản lúc bấy giờ của Tống Mỹ Linh tương đương với 2,1 tỷ NDT (tương đương 6,7 nghìn tỷ đồng) hiện nay, gấp hai lần rưỡi gia tài của Tưởng Giới Thạch. Sự thực về số gia sản tại Mỹ Tháng 11/1948, do Quốc dân đảng thất thế, Tống Mỹ Linh sang Mỹ để cầu cứu, nhưng đáp lại là sự tiếp đón lạnh lùng của tổng thống Mỹ Truman. Khi đó Truman đã mất lòng tin và hy vọng vào chính quyền Quốc dân đảng. Cuối năm 1948, đầu năm 1949, bà nhanh chóng vun vén số tài sản kếch xù của mình và để cho cháu trai Khổng Lệnh Khản (con trai Tống Ái Linh) quản lý. Lúc đó nhà họ Khổng đã mua một căn hộ trị giá 1.500.000 USD tại Mỹ. Tờ Thời báo của Đài Loan cũng khẳng định, Tống Mỹ Linh đã không còn quản lý tiền bạc sau những thất bại trong việc móc nối quan hệ với chính phủ Mỹ đương thời. Từ làm chính trị, bà chuyển hướng đầu tư kinh doanh. Tống Mỹ Linh rót tiền vào lĩnh vực dầu khí, khí gas thiên nhiên. Năm 1984, theo một báo cáo nhanh của hãng thông tấn quốc tế UPI, Tống Mỹ Linh đầu tư 5 triệu USD và ký hợp đồng với công ty Philip Petroleum ở bang Texas để thăm dò dầu khí ở gần New Mehico. Nhưng trên thực tế, người đứng đằng sau thương vụ này là Khổng Lệnh Kiệt, con trai thứ của Tống Ái Linh và Khổng Tường Hy. Khổng Lệnh Kiệt đã mượn tạm danh nghĩa của dì để tăng thêm uy tín và cơ hội thành công cho việc làm ăn của mình. Hơn nữa, họ Tống và Khổng là người một nhà.
Nếu lần đầu rời Đài Loan sang Mỹ, Tống Mỹ Linh mang theo vô vàn hành lý, thì tới năm 1991, khi trở lại Mỹ lần hai, bà chỉ có 97 chiếc vali đựng đồ đạc. Tống Mỹ Linh sống tại Long Island, New York trong một tòa nhà hai tầng. Năm 1998, căn nhà được bán đấu giá với số tiền 3 triệu USD. Theo lý giải của người mua, họ thích những cổ vật và các bức thư họa quý giá trong nhà. Đó là những thứ có giá trị quý giá gấp bội lần so với căn hộ. Những năm cuối đời, Tống Mỹ Linh sống tại Mahattan trong một dinh thự nhà họ Khổng. Dù gia sản đã "bốc hơi" phần nhiều, nhưng cuộc sống cuối đời của cô em út họ Tống vẫn rất đầy đủ. Sau khi Tưởng Giới Thạch qua đời, vào năm 1978, chính quyền Đài Loan lúc đó đã cho ban hành: “Điều lệ đãi ngộ đối với tổng thống tiền nhiệm”. Do vậy, dù Tống Mỹ Linh đã sang Mỹ cư trú, hằng năm, bà vẫn được hưởng chế độ chăm sóc y tế đặc biệt với khoản chi phí y tế lên tới 2,5 triệu (hơn 8 tỷ đồng) do chính quyền Đài Loan chi trả. Tuy nhiên, Khổng Lệnh Nghi, con gái của Khổng Tường Hy và Tống Ái Linh, người chăm sóc tận tình cho Tống Mỹ Linh, lại tiết lộ: “ Bà chỉ để lại 120.000 USD tiền tiết kiệm”. Đó là con số duy nhất biểu thị cho gia sản của mỹ nhân thứ ba nhà họ Tống trong những năm tháng cuối cùng sống trên đất Mỹ.
- Tag
- Tống Mỹ Linh
- gia tài