Theo kết luận của cơ quan điều tra xác định, 7 bị can gồm: Dương Chí Dũng (cựu chủ tịch Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu TGĐ Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu phó TGĐ Vinalines), Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang, Bùi Thị Bích Loan và Lê Văn Dương có hành vi làm trái trong việc lập, phê duyệt đầu tư dự án nhà máy; tổ chức đấu thầu, phê duyệt, ký và thanh toán hợp đồng mua ụ nổi 83M. Và 3 bị can gồm: Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng là cán bộ chi cục Hải quan Vân Phong có hành vi làm trái trong việc làm thủ tục thông quan, nhập khẩu ụ nổi 83M.
Cụ thể, trong khi bộ Giao thông - Vận tải chưa cập nhật bổ sung dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, chưa trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thì Vinalines đã phê duyệt dự án nhà máy, phê duyệt chủ trương xây dựng, trong đó có việc lắp đặt 1 ụ nổi để phục vụ và sửa chữa tàu.
Hơn nữa, qua khảo sát, các thành viên đều biết rõ, chủ sở hữu thực sự của ụ nổi 83M là công ty Nakhodka, công ty AP chỉ là nhà môi giới; thực trạng của ụ nổi 83M sản xuất năm 1965 tại Nhật Bản (ở thời điểm khảo sát vào năm 2007 đã có tuổi thọ 43 năm), bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Giá mà phía công ty Nakhodka đưa ra đàm phán là dưới 5 triệu USD. Khi về Việt Nam, Chiều, Sơn đã báo cáo lại những thông tin trên cho các lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Tuy nhiên, Dũng, Phúc vẫn chỉ đạo: "Phải lập báo cáo kết quả khảo sát để đủ điều kiện mua được ụ nổi 83M qua công ty AP, không mua trực tiếp của công ty Nakhodka".
Do trong quá trình thực hiện dự án nhà máy, dự án mua ụ nổi 83M, Vinalines không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đã dẫn đến hậu quả dự án nhà máy không đạt mục tiêu đề ra, phải bỏ dở giữa chừng, ụ nổi 83M không thể đưa vào khai thác được. Theo kết quả giám định của cơ quan liên Bộ thì tổng thiệt hại do các sai phạm nêu trên gây ra là gần 370 tỷ đồng (thiệt hại chỉ tính đến ngày 17/5/2012). Tuy nhiên, theo các điều tra viên, sau thời điểm này, Vinalines vẫn phải tiếp tục chi trả lãi ngân hàng tiền vay mua ụ, chi thuê bãi neo đậu, bảo quản, trực sự cố nên số tiền thiệt hại do việc đầu tư dự án còn tiếp tục xảy ra.
Về khoản tiền ăn chia hối lộ, bị can Trần Hải Sơn và một số bị can khác khai nhận: Khoảng đầu tháng 3/2008, trước khi Vinalines ký hợp đồng mua bán ụ nổi 83M với Công ty AP, ông Goh Hoon Seow (giám đốc Công ty AP) gặp Sơn tại trụ sở Vinalines và nói: "Ông chuẩn bị tiếp nhận khoản tiền lại quả (tiếng Anh là Kickback), tôi đã thống nhất với ông Dũng và ông Phúc rồi. Các ông ấy nói là giao cho ông nhận, số tiền lại quả là 1,666 triệu USD". Sau khi nhận được thông báo, Sơn đến phòng làm việc của Dương Chí Dũng, nói lại nội dung ông Goh đã trao đổi, được Dũng xác nhận là đúng và Dũng nói: "Chia theo tỷ lệ 10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em". Sau đó, Sơn tiếp tục đến phòng làm việc của Mai Văn Phúc nói lại nội dung ông Goh và Dũng đã nói với Sơn, Phúc nghe xong liền bảo: "Anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé".
Lúc đó, Sơn hiểu trong việc mua bán ụ nổi 83M, Dũng, Phúc và ông Goh đã có thỏa thuận ngầm trước đó để tạo điều kiện cho Công ty AP bán được ụ nổi 83M cho Vinalines với giá cao và ông Goh phải chuyển số tiền lại quả là 1,666 triệu USD cho Dũng, Phúc.
Số tiền 1,666 triệu USD này nằm trong 9 triệu USD tiền hợp đồng mua bán ụ nổi 83M giữa Công ty AP và Vinalines. Sơn được Dũng, Phúc giao nhận số tiền này vì Sơn được Dũng, Phúc tin tưởng, trước khi mua ụ nổi và thành lập Công ty TNHH sửa chữa tàu biển phía Nam thì Dũng và Phúc đều hứa tạo điều kiện, giúp đỡ Sơn được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty này.
Trong quá trình trao đổi với ông Goh về việc nhận số tiền 1,666 triệu USD, ông Goh đề nghị Sơn cung cấp địa chỉ và tài khoản của một công ty nào đó tại Ngân hàng UOB chi nhánh TP.Hồ Chí Minh để Công ty AP chuyển tiền lại quả về Việt Nam. Khi đó, Sơn đã gặp và đề nghị bà Trần Thị Hải Hà cho mượn tài khoản của Công ty Phú Hà (Công ty do bà Hà làm giám đốc) để Sơn nhận tiền do một người bạn ở Singapore chuyển, đồng thời đề nghị bà Hà mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại Ngân hàng UOB chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, bà Hà đồng ý. Sau khi bà Hà mở tài khoản, Sơn thông báo tên, địa chỉ và số tài khoản Công ty Phú Hà cho ông Goh, để ông này chuyển tiền lại quả về Việt Nam. Sau đó, Sơn lần lượt rút tiền, đem đi chia chác cho Dũng, Phúc, Chiều.
Người phụ nữ bí ẩn phía sau cựu chủ tịch Vinalines
Những ngày qua, thông tin về người phụ nữ được Dương Chí Dũng mua tặng 2 căn hộ sang trọng đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo một nguồn tin riêng của PV Nguoiduatin.vn, P.T.T. sinh năm 1982, quê ở huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Cô gái này sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn, phải bỏ học giữa chừng. Vì thấy mấy chị em T. không có công ăn việc làm nên một người cô của T. đã về quê đón T. ra Hà Nội sống với gia đình bà. Sau đó một thời gian, T. đi làm tiếp viên cho một số nhà hàng trên địa bàn thành phố. Vốn là người có nhan sắc nên T. cũng được nhiều người để ý.
Quá trình đó, Dương Chí Dũng thỉnh thoảng có đến nhà hàng ăn uống, tiếp khách và tình cờ quen biết với nhân viên P.T.T.. Sau những lần tiếp xúc nói chuyện, biết hoàn cảnh khó khăn của T., Dương Chí Dũng đã rủ lòng thương, nảy sinh tình cảm. Hai người có chung với nhau một bé trai, đến nay đã 6 tuổi. Còn đối với người vợ chính thức, Dương Chí Dũng và vợ sinh được 3 cô con gái đều ngoan ngoãn, giỏi giang.
Tại cơ quan điều tra, Dương Chí Dũng cũng khai, vì trách nhiệm với giọt máu của mình đã có chung với P.T.T. nên Dũng đã cho tiền để T. mua, đứng tên một căn hộ cao cấp ở tòa nhà Skycity (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) và một căn hộ ở tòa nhà Pacific (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trong khi đó, P.T.T. cũng thừa nhận, do có quan hệ gần gũi, có con riêng với Dương Chí Dũng nên được ông này chi tiền để cô này mua, đứng tên 2 căn hộ nói trên. Do vậy, cơ quan điều tra đã kê biên 2 căn hộ này. Về căn nhà chung của vợ chồng Dương Chí Dũng ở phố Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội, cơ quan điều tra cũng tiến hành kê biên tài sản.
Theo tìm hiểu của PV, phải mất hơn 1 năm trời lăn lộn, vất vả, các cán bộ của cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (bộ Công an) phối hợp với các đơn vị chức năng mới thu thập được đầy đủ chứng cứ, làm rõ vụ án nghiêm trọng trên. Thậm chí, tổ công tác còn phải bay sang một số nước, phối hợp với cảnh sát nước sở tại để lấy lời khai của những người có liên quan.
Đâm lao phải theo lao
Được biết, Dương Chí Dũng vốn là con người rất điềm đạm, xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Bản thân ông Dũng trước đây cũng rất nỗ lực phấn đấu trong học tập, công tác. Tuy nhiên, sau này do tác động của cơ chế thị trường, Dương Chí Dũng đã không giữ vững được bản thân, dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Ở thương vụ ụ nổi 83M, lúc đầu, số tiền mua ụ không lớn như con số thiệt hại sau này. Khi đó, ụ 83M đã mua về rồi, cũ hỏng, nhưng dám mua về thì càng phải chứng minh cho mọi người thấy được rằng nó vẫn hoạt động tốt. Đâm lao thì phải theo lao, Dương Chí Dũng chỉ đạo cấp dưới vung tiền ra để sửa chữa, nhưng sửa bao nhiêu thì ụ nổi 83M vẫn không thể hoạt động được bình thường. Số tiền chi cho việc sửa chữa ụ nổi ngày càng lớn, cộng với tiền trả lãi ngân hàng, tiền bến bãi đã khiến tổng thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng.