Như vậy, tính từ ngày 9/3 đến 15/3/2014, đã ghi nhận 03 vụ ngộ độc do ăn nấm tự nhiên (loại nấm độc tán trắng) làm 14 người mắc và đã có 02 người bị chết. Hai vụ xảy ra ở Thái Nguyên và 1 vụ xảy ra ở Tuyên Quang.
Để phòng ngừa khẩn cấp ngộ độc do nấm độc tán trắng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã có Công điện số 01/CĐ-ATTP ngày 17/3/2014 gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh phía Bắc và yêu cầu các đồng chí Giám đốc Sở Y tế khẩn trương tăng cường chỉ đạo Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống ngộ độc thực phẩm do nấm độc đến tận hộ gia đình bằng mọi hình thức và bằng các phương tiện truyền thông trên địa bàn với các vật liệu truyền thông bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc; truyền thông qua các Trưởng tộc, Trưởng họ, Trưởng bản để đến những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng; kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, không chế biến và không ăn nấm mọc hoang dại.
Sở Y tế các địa phương có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh, cấp cứu và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chú ý sử dụng than hoạt tính và thuốc nhuận tràng cho bệnh nhân và cả ca bệnh nghi ngờ.
Theo Cục An toàn thực phẩm, các trường hợp ngộ độc nấm dù đang được cấp cứu, điều trị tích cực tại Trung tâm phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – một trong những tuyến cơ sở điều trị ngộ độc hàng đầu trên cả nước nhưng tất cả các ca bệnh đều diễn biến rất phức tạp, khó tiên lượng do độc tố nấm gây tổn thương gan rất nặng nề. Nguyên nhân ngộ độc do người dân thu hái nấm mọc hoang dại (ở rừng, khe suối…) và được chế biến thành thức ăn. Nấm độc tán trắng mọc nhiều trong mùa Xuân và mùa Hè, khó phân biệt với các loại nấm tự nhiên không chứa độc tố