Nghẹn ngào trong nước mắt, chị Đoàn Thị Huế (dì ruột cháu Trâm) cho biết, Trâm sinh ra trong một gia đình nghèo ở ấp 9 (xã Bình Sơn). Tuổi thơ của cô bé trải qua biết bao cay đắng. Khi lên 3 tuổi thì người cha vĩnh viễn ra đi vì bệnh nặng, Trâm và em gái là Dương Thị Thanh Thảo chỉ được sự chăm sóc và nuôi dưỡng của mẹ là bà Đoàn Thị Huệ.
Tưởng nỗi đau mất cha như vậy đã quá lớn đối với hai chị em Trâm. Nhưng không ngờ chỉ vài tháng sau tang cha thì người mẹ cũng lặng lẽ đi lấy chồng, bỏ chị em Trâm cho ông bà nội nuôi. Khoảng 3 năm sau thì chị Huệ lại xin gia đình nhà nội được đón hai chị em Trâm về chăm sóc. Cũng từ đây, cuộc sống của chị em Trâm phải chịu sự đối xử ghẻ lạnh của người cha dượng Nguyễn Viết Nam (45 tuổi, quê Thanh Hóa).
“Lúc đầu ông ấy (Nam) đối xử với hai đứa con của vợ không đến nỗi tệ. Vậy mà thời gian gần đây thì bỗng dưng tính tình lại thay đổi hẳn, mỗi khi tức giận điều gì là ông ấy lại lôi hai đứa ra đánh đập không nương tay…”, chị Huế quặn lòng.
Sau mỗi lần nhậu về, ông Nam thường đánh Trâm. Người mẹ của bé can ngăn cũng bị gã chồng vũ phu này hành hung vì vậy chẳng còn ai dám can. Sau mỗi lần đánh đập, ông dọa nếu Trâm cho các cô, chú biết chuyện thì sẽ không để yên thân. Tuy nhiên, mỗi lần Trâm bỏ nhà đi được ít hôm thì ông Nam lại tìm cách đưa về, để rồi tiếp tục hành hạ.
Theo chị Huế, trước khi xảy ra chuyện vài ngày, bé Trâm đã bị ông Nam đánh và đuổi ra khỏi nhà. Rời nhà với chiếc cặp và mấy bộ đồng phục học sinh, Trâm đến nhà bạn tá túc. Ở đây được 4 ngày thì chị Huế đến đưa Trâm về nhà mình ở.
Tối 29/11, biết bé Trâm đang tá túc nhờ nhà chị Huế nên ông Nam đã tìm tới gây sự. Ông này dọa đánh, vứt hết sách vở khi em đang học bài và đòi đốt hết quần áo, đồ đạc nếu bé Trâm không chịu về. Đêm hôm đó bé Trâm ở lại nhà dì trong nỗi sợ hãi.
Thế rồi ngày định mệnh cũng đã đến, sáng ngày 30/12, chị Huế ra nhà tắm đánh răng thì hoảng hốt phát hiện đứa cháu của mình đã ở tư thế treo cổ, trên người đã mặc sẵn bộ đồ đi học. Sau giây lát kinh hãi, chị Huế định thần trở lại rồi hô hoán mọi người. Người dân chạy tới đưa Trâm xuống thì cô bé đã tử vong trước đó.
Khi kiểm tra hiện trường thì mọi người phát hiện cạnh chiếc cặp sách đến lớp mỗi ngày có một lá thư tuyệt mệnh Trâm để lại. Trong bức thư gửi mẹ, có đoạn Trâm viết: “Lời cuối cùng con xin lỗi mẹ. Hãy tha thứ cho đứa con bất hiếu này, con không làm được gì cho mẹ vừa lòng cả. Viết là thư này cũng là lúc con mất mẹ rồi…”.
Sau những lời xin lỗi nghẹn lòng của bé Trâm vì không làm được gì cho mẹ trước công lao dạy dỗ, sinh thành, mong mẹ và em hãy sống tốt, là lời thỉnh cầu đầy ngang trái: “Khi đi rồi, con chỉ xin mẹ một điều duy nhất đó là đừng để dượng thắp nhang cho con”.
Bé Trâm đã từng viết một lá thư gửi các sư thầy trong chùa nơi em theo học vào những tháng hè và đã trình bày về hoàn cảnh của mình. Trong đó, Trâm đã kể về sự đau khổ khi bị cha dượng đánh đập, đuổi đi khỏi nhà trong tủi nhục.
Sau khi phát hiện Trâm tự tử và để lại những lời trăn trối đau lòng, nhiều người trong nhà đã tìm gặp ông Nam để “xử”. Tuy nhiên khi biết tin đứa bé mà mình thường hành hạ đã tìm đến cái kết, gã cha dượng đã nhanh chân bỏ trốn.
Một cán bộ công an xã Bình Sơn cho biết, nhận được tin báo về cái chết của cháu Trâm, công an xã đã đến hiện trường tiến hành xác minh và ghi nhận sự việc. Do gia đình cháu từ chối khám nghiệm nên cơ quan công an không can thiệp và để cho gia đình tiến hành làm lễ mai táng. Tuy nhiên một số người thân trong gia đình bé gái xấu số này cho biết, sẽ đề nghị cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự việc cháu Trâm ra đi trong sự uất ức.
Cái chết của nữ sinh lớp 9 xuất phát từ cách đối xử tàn nhẫn của người cha dượng. Nếu không có những trận hành hạ thừa sống thiếu chết của ông Nam thì đứa trẻ đâu phải làm đến cái chết để giải thoát cho cuộc sống đẫm nước mắt này.