Cùng zoom vào quy trình sản xuất bánh Trung thu "bẩn" ở Trung Quốc qua chùm ảnh dưới đây.
Quy trình để làm ra một chiếc bánh Trung thu bắt đầu từ khâu chọn lựa nguyên liệu. Dù là bánh nướng hay bánh dẻo thì phần nhân bao giờ cũng được nhiều nhà sản xuất quan tâm. Họ thường chọn mứt, xá xíu, lạp xưởng, đậu xanh, trứng muối, mỡ lợn, hạt sen, hạt dưa…
Những nguyên liệu nhân bánh này phần lớn đều không có xuất xứ rõ ràng và được chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố, đôi khi chúng được "xuất ngoại". Còn nhớ, vào ngày 23/08/2011, cơ quan chức năng tại Hà Nội đã bắt giữ được 2 tấn nhân bánh không rõ nguồn gốc cùng với 50.000 quả trứng muối nhập từ Trung Quốc, không hóa đơn chứng từ.
Dầu ăn là một trong những nguyên liệu không thể thiếu trong khâu làm bánh Trung thu. Để giảm giá thành, các xưởng làm bánh thường sử dụng "dầu đen" (dầu đã được chiên đi chiên lại nhiều lần hoặc dầu tái chế giống ở hình trên). Giá dầu này chỉ bằng một nửa so với dầu nguyên chất (khoảng 20.000 đồng/lít thay vì 45-50.000 đồng/lít).
Ở Việt Nam, theo mẫu kiểm tra mới nhất của các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội thu được, họ phát hiện mẫu bánh Trung thu chứa vi khuẩn E.coli, thậm chí có loại mang lượng nấm men mốc còn cao gấp 780 lần so với quy định.
Sau khi tập hợp tất cả những nguyên liệu siêu rẻ, siêu bẩn về, các thợ làm bánh thủ công sẽ tiến hành nhào trộn, làm nhân bánh trong điều kiện tồi tệ và mất vệ sinh như thế này. Sản phẩm thu được là những viên nhân bánh có bề ngoài bắt mắt nhưng chất lượng thì có lẽ không dành cho con người ăn.
Xinhua đưa tin, một số loại bánh Trung thu có thể đã được phụ gia tới 30 loại hóa chất từ nước soda, chất làm trắng cho tới bột màu... để có mẫu mã đẹp mắt với hạn sử dụng lên tới nửa năm.
Sau khâu trộn nguyên liệu, in khuôn, bánh Trung thu được đưa vào lò nướng. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí, nhiều nơi sản xuất bánh còn sử dụng những lò nướng đã han gỉ, cáu bẩn và có "tuổi thọ" cao vốn được dùng để nướng các loại bánh khác trong suốt cả năm.
Với một quy trình khép kín và không mấy khi để lộ ra bên ngoài, nhiều khách hàng không hề biết mình đã ăn phải những chiếc bánh Trung thu xuất xứ từ các lò sản xuất “đáng sợ” như thế này.
Bánh sau khi nướng xong sẽ được đem đóng gói vào các loại bao bì khác nhau. Chúng sẽ được dán nhãn mác giả của các doanh nghiệp làm bánh uy tín, hoặc đơn giản là những bao bì đẹp đẽ dành riêng cho bánh siêu rẻ.
Điểm dễ phân biệt của loại bánh này là hạn sử dụng ghi chung chung kiểu “1-3 tháng kể từ ngày sản xuất”, trong khi trung bình bánh dẻo chỉ để được 8-10 ngày, còn bánh nướng là 20-30 ngày mà thôi.
Còn đây là những chiếc bánh được đóng gói với bao bì, mẫu mã của hãng bánh danh tiếng. Chúng sẽ được bán ra ngoài thị trường với giá thành khá cao, tuy nhiên, thực hư chất lượng, chi phí để làm ra chiếc bánh này thì không phải ai cũng biết...
Vào tháng 6/2012, một lò sản xuất chuyên tái chế bánh Trung thu hỏng tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cũng bị phát hiện và tiêu hủy. Khi tới nơi, cơ quan chức năng đều khiếp hãi bởi mùi bánh thiu nồng nặc, nhân bánh mốc xanh, vứt lung tung trên sàn nhà. Thùng dầu và hóa chất sử dụng làm bánh còn nổi lềnh bềnh cả chuột, gián chết...
Hiện nay, một phương cách làm bánh Trung thu “bẩn” khác được biết tới là việc nhập nguyên liệu hay bánh cũ tồn kho rồi “mông má” lại, bán ra thị trường.
Theo Nhật báo Thượng Hải đưa tin vào tháng 7/2013, chủ sở hữu của Công ty cổ phần thực phẩm Panpan Thượng Hải đã bị khởi tố vì sử dụng nhân bánh Trung thu cũ, nhồi vào vỏ bánh và bán ra thị trường vào năm 2010. Được biết, có những chiếc bánh phần nhân đã lên men, mốc, sinh giòi bọ, mùi hôi nồng nặc, nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc cho người sử dụng.
Tạm kết: Để có một mùa Trung thu vui vẻ, ấm áp và hạnh phúc bên gia đình, bạn hãy lựa chọn mua bánh tại những cơ sở sản xuất, nhãn hàng uy tín, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, nếu biết những xí nghiệp, xưởng làm bánh Trung thu “bẩn”, giả mạo, hãy liên hệ và báo ngay cho các cơ quan chức năng xử lí để tất cả mọi người đều có một Tết Trung thu vui vẻ.