Từ cổ chí kim, trên thế giới này, có lẽ, cuộc hôn nhân chênh lệch tuổi tác lớn nhất thuộc về cụ ông Ahmed Muhamed Dore 115 tuổi và cô dâu tuổi 17 tên Safia Abdulleh, tại vùng Galguduud của Somali.
Cụ Dore đã kết hôn tổng cộng 5 lần, nhưng 3 người vợ của cụ đã qua đời. Hai người vợ còn lại của cụ đã quá già, không thể sinh đẻ được nữa. Cụ có tất cả 18 người con. Con trai cả đã 83 tuổi.
Cô dâu là người cùng làng với cụ. Cụ cho biết, cô gái Safia Abdulleh học cùng lớp với chắt của cụ. Một lần, Safia Abdulleh đến nhà chơi, cụ đã “kết” cô bé.
Mặc dù đất nước Somali vùng Sừng Châu Phi còn chìm trong đói nghèo, lạc hậu, nhưng chuyện hôn nhân lại phải được sự đồng ý của nhà gái và chính bản thân cô gái. Dù có nhiều tiền, có quyền lực, nhưng nếu không có sự hưởng ứng của nhà gái, thì hôn nhân bất thành.
Kế hoạch tán tỉnh cô gái được cụ già Dore phác thảo rất kỳ công. Cụ thường tìm cách dụ Safia Abdulleh đến nhà chơi. Cụ kể lại thời trai tráng đầy dũng mãnh của mình, với những mối tình đẹp, nhưng kết thúc bi thương như tiểu thuyết.
Những câu chuyện ấy khiến Safia Abdulleh nghĩ cụ già 115 tuổi mới chỉ 20 căng tràn sức sống. Và Safia Abdulleh đã yêu cụ lúc nào chẳng hay.
Tại đất nước này, chuyện kết hôn vừa là tự nguyện, vừa do cha mẹ sắp đặt, nên muốn cưới được vợ, thì cụ ông Dore phải tìm cách “cưa đổ” cha mẹ của cô bé.
Vậy là, một kế hoạch “tán tỉnh” bố mẹ Safia Abdulleh được cụ tiếp tục thực hiện. Hàng ngày, cụ ông tìm đến nhà bố mẹ cô gái để trò chuyện, thể hiện mình.
Gia đình Safia Abdulleh không được khấm khá lắm. Bố mẹ cô có một cửa hàng buôn bán nhỏ, làm việc chật vật cũng chỉ đủ ăn.
Với kinh nghiệm sống hơn 100 năm, lại là phú gia của làng, nên cụ Dore có rất nhiều vốn sống. Cụ đã bày cho bố mẹ Safia Abdulleh cách làm ăn. Nghe theo lời cụ, bố mẹ cô đã mở rộng cửa hàng, kinh doanh thêm nhiều hàng hóa.
Được cụ ông cấp một số vốn rất lớn, bố mẹ Safia Abdulleh đã mở cửa hàng lớn, như một siêu thị nhỏ ở đầu làng. Tương lai của gia đình Safia Abdulleh rất sáng lạn. Chính vì vậy, bố mẹ cô gái rất biết ơn cụ Dore và coi cụ như ân nhân của gia đình.
Khi biết cá đã cắn câu, cụ ông Dore quyết định “đánh bài ngửa”. Cụ mang lễ vật đến nhà Safia Abdulleh và ngỏ lời muốn cưới cưới cô. Nghe lời cầu hôn của ông cụ còn lớn hơn tuổi bố mẹ mình, bố mẹ cô gái đã hết sức choáng váng, bối rối. Không thể làm mất mặt ân nhân, bố mẹ cô gái đã nói: “Chúng tôi rất quý và biết ơn cụ. Dù hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt, nhưng cũng phải hỏi ý kiến của con gái. Nếu nó đồng ý thì chúng tôi mới cho phép tiến tới hôn nhân”. Cha mẹ Safia Abdulleh nói vậy để giữ mối hòa hiếu, không làm mất lòng ân nhân, chứ bản thân họ tin chắc con gái mình sẽ không đồng ý. Cha mẹ gọi Safia Abdulleh ra gian ngoài. Trước mặt bố mẹ, họ hàng, dân làng cùng đoàn nhà trai, cô bé Safia Abdulleh đã bẽn lẽn gật đầu đồng ý lấy cụ Dore. Lúc này, bố mẹ cô bé, cả họ, cùng dân làng mới ngã ngửa. Không còn cách nào khác, gia đình buộc phải nhận lễ và chấp nhận cuộc hôn nhân này. Trong lễ hỏi cưới, cụ ông Dore đã nói với gia đình cô bé rằng, cụ đã sống hơn 100 năm, nên có nhiều kinh nghiệm sống, hiểu biết sâu sắc cuộc đời. Làm vợ cụ, thì cô gái trẻ sẽ được bao bọc, được hưởng cái kinh nghiệm rất sâu sắc đó. Người Somali rất tôn trọng người già. Các cô gái cũng thường cưới người hơn mình rất nhiều tuổi, để được lo lắng, chiều chuộng, không phải vất vả, lam lũ. Nghe cụ ông nói vậy, gia đình Safia Abdulleh rất vui vẻ và chấp nhận đám cưới. Hôm nhận lễ Safia Abdulleh mới 16 tuổi, nên chưa đủ tuổi kết hôn. Luật pháp ở đây quy định phải 17 tuổi mới được lấy chồng. Dù phải chờ 1 năm nữa, nhưng cụ ông Dore rất yên tâm, vì nhà gái đã nhận lễ. Đám cưới của cụ ông tròn 115 tuổi diễn ra vô cùng long trọng. Cả làng được mời đến dự tiệc. Cụ ông Dore cũng nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cụ lên truyền hình, báo chí khắp thế giới. Cụ cũng không giấu giếm, mà khoe rằng, dù đã ở tuổi 115, nhưng cụ vẫn rất sung sức. Ngày nào cụ cũng có thể chiều chuộng cô vợ trẻ đang ở tuổi bẻ gãy sừng trâu. Tuy nhiên, mới đây, cuộc hôn nhân của cụ đang bên bờ vực thẳm, khi vợ cụ, cô bé Safia Abdulleh không còn yêu cụ nữa. Lấy cụ rồi, cô mới nhận ra, những câu chuyện lãng mạn, hút hồn cụ kể, làm cô bé xiêu lòng, chỉ có 1 phần thực, còn lại là 9 phần hư. Cô nhận ra rằng, mình đã yêu anh chàng Dore của 80 năm trước, trong những câu chuyện cụ kể, chứ không phải cụ Dore bây giờ. Sợ rằng, cụ Dore chẳng sống được bao lâu nữa, nên Safia Abdulleh nhất định không có con với cụ. Nếu có con rồi, khi cụ Dore chết, theo luật Somali, cô sẽ không đi được bước nữa. Cụ Dore rất tức giận khi cô vợ nhất định không muốn có con với mình, mặc dù cụ vẫn còn khả năng sinh con. Safia Abdulleh cũng không ly dị được với cụ, vì theo luật, nếu bỏ cụ, bố mẹ cô phải hoàn lại lễ cưới. Lễ cưới gồm vô số vàng bạc, tiền của, đã được bố mẹ đầu tư vào cửa hàng. Nếu muốn đòi lại con gái, chỉ có nước bán toàn bộ cửa hàng đi. Và gia đình Safia Abdulleh sẽ lại quay về cảnh nghèo đói như xưa. Như vậy, gia đình cô sẽ mất cả chì lẫn chài. Đám cưới này vốn gây ầm ĩ dư luận. Sự việc cụ ông sắp xuống mồ không buông tha cô vợ trẻ Safia Abdulleh khiến dân làng vô cùng bức xúc. Hàng ngàn người từ khắp đất nước Somali đã tiến hành biểu tình, yêu cầu chính quyền hủy cuộc hôn nhân này, nhưng không thành công, vì luật pháp đứng về phía cụ Dore.