TIN TỨC » Tin trong ngày

Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi dài 11m từng bị sét đánh được gia chủ bán 2 căn nhà để lấy, thương gia trả hơn 870 tỷ cũng không bán

Thứ tư, 11/12/2024 12:30

Để sở hữu cây gỗ quý 11 m, người đàn ông không tiếc bán 2 căn nhà với giá hơn 59 tỷ đồng, còn mất thêm 10 tỷ đồng nữa để vận chuyển về nhà.

Chủ nhân của cây gỗ quý 4.300 tuổi này là một người đàn ông tên Cù Ứng Giang sống tại Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Theo người đàn ông này chia sẻ, cây gỗ ông mua chính là cây Kim tơ nam mộc có đường kính 2,4m. Cây này vốn mọc ở vùng núi thuộc huyện Đức Giang, tỉnh Quý Châu. Trưa tháng 3 năm 2013, người dân đã phát hiện ra cây này bị sét đánh và bị gãy ở giữa, phần còn lại bốc cháy ngùn ngụt, ngọn lửa cháy suốt ba ngày ba đêm mới tắt.

Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi dài 11m từng bị sét đánh, thương gia trả hơn 870 tỷ đồng cũng không bán.

Kim tơ nam mộc vốn là cây gỗ quý được Trung Quốc can thiệp và bảo vệ, không cho phép ai tùy ý chặt hạ hay khai thác. Tuy nhiên, vì cây gỗ khổng lồ này bị sét đánh, trở thành mối nguy hiểm cho mọi người nên được Cục Lâm nghiệp Trung Quốc cấp giấy phép khai thác. 14 năm sau, chủ nhân hiện tại mua lại cây này với giá 17 triệu NDT (hơn 59 tỷ đồng).

Vào thời điểm bị đốn hạ, cây Kim tơ nam mộc hơn 4.000 năm tuổi này nặng 70 tấn, sau khi cắt tỉa cành và rễ để làm đồ thủ công mỹ nghệ thì còn lại thân cây nặng 16 tấn. Sau đó, nó được chuyển đến Quý Dương, riêng quá trình vận chuyển đã tiêu tốn gần 3 triệu NDT (gần 10 tỷ đồng).

Chủ nhân cây gỗ cho biết khi mua cây, ông gần như bán hết đồ đạc, thậm chí bán luôn hai căn nhà ở quê để có đủ tiền. Ông cũng nhận định đây là cây Kim tơ nam mộc lớn và già nhất thế giới - 4.300 năm tuổi. Số tuổi này không phải đoán bừa mà được tính bằng phép đo carbon-14 (còn gọi là định tuổi bằng carbon phóng xạ hay đơn thuần là định tuổi bằng carbon).

Quá trình này được thực hiện bởi một nhóm chuyên gia ở Thượng Hải. Kết luận được rút ra thông qua nhận dạng khoa học, giấy chứng nhận cũng được treo bên cạnh cây để làm tài liệu chứng minh.

Sau khi thông tin về cây Kim tơ nam mộc 4.300 năm tuổi được lan truyền, nhiều người đã liên hệ với chủ nhân của nó để hỏi mua. Thậm chí có một thương gia đã ngã giá 250 triệu NDT (hơn 872 tỷ đồng) nhưng người đàn ông nhất quyết không bán. Ông tin rằng đây là kho báu vô giá nên sẽ rất tiếc nếu người khác sử dụng gỗ từ thân cây chỉ để làm đồ nội thất, trang trí.

Kim tơ nam mộc là một loại cây gỗ quý đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc, phân bố ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang. Gỗ của cây này có mùi thơm, thớ gỗ như những sợi tơ vàng được hình thành tự nhiên, sáng óng ánh dưới ánh nắng mặt trời. Theo đó, cây Kim Tơ Nam Mộc tuổi gỗ càng cao thì gỗ càng quý.

Kim Tơ Nam Mộc là một giống cây rất khó trồng. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng loại cây này thường mọc ở độ cao khoảng 1000-1500m, gần đó phải có thung lũng và sông nhỏ thì mới đảm bảo sự phát triển bình thường của cây. Nếu sống trong môi trường không thuận lợi, giai đoạn cây non của Kim tơ nam mộc non phải kéo dài 100 năm thay vì 50 năm như bình thường.

Kim tơ nam mộc là một loại cây gỗ quý và có giá thành đắt đỏ.

Bên cạnh đó, loại cây này cực kỳ khó nuôi cấy nhân tạo nên việc trồng loại cây này lại là một thách thức rất lớn. Kim Tơ Nam Mộc có màu sắc vàng óng nên rất được hoàng gia ưa chuộng. Chúng cần những điều kiện đặc biệt để hình thành và không phải cây Kim Tơ Nam Mộc nào cũng có thể cho gỗ có tơ vàng. Những sợi tơ vàng trong thớ gỗ được hình thành tự nhiên không hề đơn giản. Thực chất, những sợi tơ vàng này được tạo thành do dịch tế bào của cây bị oxi hóa sau 1 thời gian dài và tụ lại trong các khe hở của thớ gỗ. Do đó, tỷ lệ để trồng được một cây Kim Tơ Nam Mộc cho ra loại gỗ cực hiếm này rất thấp nên không ai dám đánh đổi để trồng nó.

Có vô số câu chuyện liên quân đến loại gỗ quý Kim Tơ Nam Mộc này. Theo đó, vì là loại gỗ quý hiếm nên từ xưa đến nay, dù là vua chúa, vương hầu, tướng lĩnh hay những người giàu có muốn sở hữu một món đồ nội thất làm từ Kim tơ nam mộc. Thậm chí, vào thời phong kiến cổ đại, chỉ có hoàng tộc, nhà vua mới được sử dụng loại gỗ này. Vì thế nên nó còn được mệnh danh là "gỗ hoàng đế".

Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới