Những ngày qua, câu chuyện xung quanh văn hóa bán hàng với nạn "chặt chém", "bún mắng, cháo chửi, phở lắm mồm..." ở nhiều địa phương trên cả nước được báo phản ánh đã thu hút sự quan tâm, với rất nhiều ý kiến, phản hồi của bạn đọc gửi về.
Tiếp tục xung quanh vấn đề này, độc giả Nguyễn Đình Hậu còn rất bức xúc khi phản ánh thực trạng nạn "chặt chém" trong khi các dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, ô nhiễm nước biển đang xảy ra tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải bài viết này. Mời độc giả cùng theo dõi: Cũng như nhiều khách du lịch khác, trong những ngày qua, tôi đã theo dõi rất kỹ những bài viết, những ý kiến của đông đảo bạn đọc phản ánh về thực trạng của vấn nạn "chặt chém", cũng như cung cách, văn hóa phục vụ thiếu tôn trọng khách của không ít các chủ hàng ở một số địa phương trên cả nước. Những điều đó đã gây ra sự bức xúc, phẫn nộ hay nói cách khác là mang cái bực vào người đối với khách du lịch đã phải bỏ tiền ra để mong muốn có được sự thư giãn sau tháng ngày làm việc vất vả.
Bản thân tôi cũng đã đi du lịch khá nhiều nơi nhưng thực tế chỉ một lần đến với đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) đã khiến cho tôi phải 'phát hoảng', bởi các dịch vụ phục vụ quá thiếu chuyên nghiệp, trong khi giá cả thì bị chặt chém đến "kinh hoàng", tình trạng ô nhiễm nước biển....
Và sau chuyến đi tôi cũng như nhiều người bạn của mình, buộc phải thốt lên rằng 'chắc có lẽ đời tôi chỉ đến Tuần Châu một lần và không quay trở lại'.
Như tôi đã nói ở trên, nhiều người vẫn thường nói đã bỏ tiền ra thì ai cũng mong muốn được hưởng những dịch vụ, thái độ phục vụ tốt nhất. Và tôi khi bỏ tiền ra để đến Tuần Châu du lịch cũng mong tìm được một không gian nghỉ ngơi thoáng đãng, tránh xa cuộc sống xô bồ, chen chúc nơi đô thị. Thế nhưng, mọi thứ dường như ngược lại, với mức giá vé vào cổng cho năm nay là 160.000 đồng/ người, chúng tôi được miễn phí chơi game, xe điện, xem xiếc, nhạc nước... Tuy nhiên, có lẽ là do miễn phí nên khi cậu con trai tôi và một số bạn nhỏ khác đến chơi thì các nhân viên ở đây chỉ đưa ra thông báo ngắn cụt "hỏng" hay "mấy trò này đang được bảo dưỡng lại"... Để đi lên và đi xuống khi xem nhạc nước ở Tuần Châu cũng thực sự là một thử thách rất lớn đối với người già và trẻ nhỏ khi phải leo những bậc thang dựng đứng. Ở đây, có thiết kế thang máy dạng cuốn nhưng tôi không rõ là do bị hỏng hay để tiết kiệm điện nên không thấy hoạt động!. Đó là còn chưa kể, phòng vui chơi trong nhà thì mái tôn, không có điều hòa, quạt, trời thì nóng, có cho chơi miễn phí cũng chịu, vào trong đó 15 phút thì mồ hôi ướt hết cả áo ai mà chơi được. Nhân viên phục vụ còn quát cả khách hàng, như thời mậu dịch bao cấp, bó tay. Xem cá sấu và xiếc khỉ cũng chán, thái độ cậu biểu diễn xiếc khỉ không chấp nhận được, mắt vô hồn như không có cảm xúc... Khán đài khu biểu diễn hôm đấy cũng 'kinh hoảng' với tôi và rất nhiều du khách khác khi mà mùi khai của nước tiểu bốc lên nồng nặc. Muốn đi vệ sinh ở đây thì phải trả tới 5.000 đồng/ lượt nhưng nhà vệ sinh thì than ôi, chắc lần đầu, chứ lần sau có mót thì thôi, tốt nhất là cố gắng chịu để về khách sạn giải quyết...
Bức xúc và không thể nào chấp nhận được ở đây vẫn là cảnh 'chặt chém' giá cả nhiều mặt hàng đến 'khiếp người'. Chỉ một chai nước khoáng lọc nhưng bị 'chém' giá tới 20.000 đồng, một chai nước ngọt giá 30.000 đồng, bia Hà Nội lon hoặc chai từ 35.000 - 40.000 đồng/ chai, một đĩa mỳ xào gọi là điểm thêm một chút hải sản có giá tới 100.000 đồng, cơm rang cũng lên tới 80.000 - 100.000 đồng/ đĩa nhỏ... Đó là chưa kể trường hợp của anh bạn tôi, đến đây, khi uống xong một chai bia Heniken và ăn một cái bánh mỳ khi thanh toán mới ngớ người ra, giá lên tới 160.000 đồng.... Tắm biển ở đây cũng thuộc hạng 'siêu đắt'. Nước biển bị ô nhiễm, có nhiều cặn đen, thậm chí cả rác thải nhưng riêng tiền thuê phao đã mất 30.000 - 50.000 đồng, tiền chỗ 30.000 đồng, gửi đồ 30.000 đồng... Đó là chưa kể, khi lên tắm tráng thì ôi thôi - vòi nước ri rỉ không đủ ướt đầu. Giá phải trả là 25.000 đồng để vào phòng tắm tráng khai sặc sụa và vòi nước ri rỉ chảy xuống đầu! Giá cả cao nhưng như câu chuyện của người bạn tôi kể lại, thì tôi không hiểu lần sau du khách liệu có còn hứng thú khi đến đây với những kiểu phục vụ thế này chắng?
Số là, gia đình anh bạn tôi thuê phòng với giá 2,7 triệu/ ngày, đêm, sau 3 ngày khi trả phòng thì trong phòng có 2 đôi dép tông, do không để ý nên bị mất. Lễ tân sau đó bảo, anh chị làm mất 2 đôi dép tông, phải đền, 80.000 đồng/ 1 đôi. Bạn tôi có ý kiến, đôi này ở siêu thị cùng lắm là 30.000 đồng, kể cả công bọn em mua về, dể ở kho thì cùng lắm 40.000 đồng, sao đòi bọn anh 80.000 đồng. Khoản chênh lệnh này bọn anh phải hiểu là thế nào ? nghĩa là bọn anh làm mất phải phạt cho nhớ, cho lần sau ko làm mất nữa ? giống như phạt trẻ con ấy à ? thì lễ tân trả lời rất qua loa là em không biết, qui định ở đây thế. Yêu cầu gặp quản lý thì lại bảo đang đi ăn trưa. "Mình ở đây 3 ngày mất gần chục triệu mà có 2 đôi dép tông chặt chém đến như vậy thì đúng chả hiểu ra sao nữa. Nhưng với cái thái độ thế này thì chắc chắn lần sau mình sẽ không quay lại", tôi xin được trích lại lời anh bạn. Nếu đem so sánh với những phong cách, thái độ phục vụ lịch sự, chuyên nghiệp, tôn trọng khách hàng ở Sài Gòn, Đà Nẵng thì từ những gì tôi đã được chứng kiến, "được là người trong cuộc", tôi dám khẳng định, văn hóa phục vụ ở Tuần Châu này còn kém xa rất nhiều lần... Như đã nói ở trên, là một người đã được đi nhiều nơi trên cả nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận và nói rằng, tôi thực sự thất vọng với Tuần Châu. Tôi không có ý quy chụp hết tất cả các nhà hàng ở đây, nhưng chắc chắn những trường hợp trên không phải là hiếm và với những gì tôi đã từng phải trải qua thì ấn tượng đó thực sự là không tốt đẹp trong tôi. Và cũng như đã nói ở trên, sau chuyến đi "nhớ đời" đó, không chỉ tôi mà nhiều người bạn của tôi đã thầm nhủ với nhau rằng: "đây sẽ là lần cuối cùng mình đến Tuần Châu chơi"...