TIN TỨC » Tin trong ngày

Chân dung 'hậu duệ' của những ông trùm máu lạnh

Thứ hai, 09/04/2012 13:22

Mỗi con người sinh ra đều không thể lựa chọn cho mình một gia đình. Những đứa trẻ sống và lớn lên trong những hoàn cảnh đặc biệt thật khó để có cho mình cuộc sống bình thường. Nhất là khi cha hay mẹ chúng lại là những tay giang hồ khét tiếng...

Cậu ấm của 'hung thần' chợ Cầu Muối

"Anh hai!" Mỗi khi thấy thân hình loắt choắt cao cỡ hơn 1m60 nghễu nghện trên chiếc xe SH cao ngỏng phóng qua, đám thanh niên cả nam lẫn nữ đều lễ phép hô lên như vậy. "Anh hai" gầy nhom, gương mặt dại dại, thường trực một nụ cười ngô nghê gật đầu. Phía sau chiếc xe SH của cậu ấm lúc nào cũng có sẵn dăm ba đứa đàn em - đám này mới là du đãng thứ thiệt được phái đi bảo vệ. Thật ra cũng hơi thừa, vì chẳng mấy người có cái gan lớn động tới thiếu gia nhà Châu Phát. Bất kể gã giang hồ nào, dù có máu liều cỡ mấy cũng sẽ cảm thấy lạnh người khi trên gương mặt của cậu ấm mang những đường nét giống y xì một hung thần: Châu Phát Lai Em.

Thời kỳ đỉnh cao của đại gia đình Châu Phát với 3 cái tên khét tiếng: Châu Phát Lai Anh, Châu Phát Lai Em, Châu Phát Lai Út, cậu ấm Châu Phát Liêm giống hệt như một "hoàng tử bé". Châu Phát Lai Em lạnh lùng và hung dữ, nhưng đối với con cái mình thì lại chiều chuộng hết lòng. Khi Liêm vừa mới lớn cũng là thời "sự nghiệp" của Châu Phát Lai Em huy hoàng nhất. Nắm nguyên khu chợ Cầu Muối và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn trong giới giang hồ Sài Thành, bởi vậy không ngạc nhiên khi con cái của Lai Em cũng được trọng vọng nhờ hưởng lây "tiếng thơm" của người cha. Tiền bạc, số má... là tất cả những gì vợ chồng Lai Em giành cho đứa con trai.

Tuy nhiên, cậu út nhà Châu Phát Lai Em lại không lựa chọn kế thừa "sự nghiệp" của gia đình. Cũng không khó hiểu, bởi ngoài vẻ mặt giống cha như tạc, Châu Phát Liêm lại có lá gan ... lạc lõng so với truyền thống gia đình. Thay vì chọn con đường đao búa nhiều nguy hiểm và tanh mùi máu, cậu ấm lại chọn một con đường khác dễ đi hơn và cũng dễ sướng hơn: ma túy. Không dùng heroin vì dường như cảm thấy nó không xứng đáng với "đẳng cấp" của mình, cậu ấm Châu Phát Liêm chỉ ưa thích một thú vui duy nhất: đập đá. Số tiền cậu bỏ ra cho mỗi đêm vui vẻ lên tới cả chục triệu đồng, và chẳng mấy chốc, cái tên "Liêm khùng" đã gắn chặt với cuộc đời của "anh hai".

Thời kì huy hoàng của cậu ấm gần như chấm dứt khi ông bố Châu Phát Lai Em đền tội ngoài trường bắn vì một loạt tội danh. Dù vậy, cậu ấm vẫn còn may mắn khi gia đình chưa tới nỗi kiệt quệ về tiền bạc, cũng như trước đây không gây thù oán với bất cứ ai để rồi phải trả giá. Có điều, giờ này cuộc đời của cậu ấm ngày nào vẫn tà tà trôi qua trong các trung tâm cai nghiện hạng sang với thứ tâm trạng buồn vui thất thường của một người thần kinh bất ổn. Cũng khá may mắn cho Liêm, dù đã qua đời nhưng danh tiếng cũng như đám đàn em cũ của Châu Phát Lai Em vẫn còn đủ sức cho anh ta một chỗ dựa an toàn trong các trại cai nghiện khi chẳng mấy ai muốn đụng chạm tới con của "anh đại" một thời. Mặc dù vậy, đám lính cũ của Lai Em cũng không thể kiềm nổi tiếng thở dài ngán ngẩm khi bản sao của ông trùm một thời lại có khả năng ... khóc tu tu như một đứa trẻ con mỗi khi bị vào lại trại. "Truyền thống giang hồ" của đại gia đình nhà Châu Phát có lẽ đã chấm dứt thật sự tại đây.

Con trai của Lương "cái ghẻ":

Đinh Văn Lương tức Lương "cái ghẻ" cũng là một cái tên có số má tại đất Cảng. Tuy nhiên, cái số má của Lương cũng chỉ ở mức tầm tầm. Lương được biết tới như một gã du đãng lì lợm, không ngại va chạm nhưng kém về đầu óc, nói nôm na là một dạng du đãng cơ bắp điển hình. Thứ giang hồ này tại đất Cảng những năm 90 nhiều còn hơn cả ... nấm. Nhất là khi Lương dính vào nghiện ngập, "tên tuổi" của anh ta cũng bay dần theo làn khói trắng. "Nghiện tức là mất chất" - đó là câu cửa miệng của giới giang hồ đất Hải Phòng. Cái tên Lương "cái ghẻ" tưởng chừng đã chìm nghỉm trong bối cảnh các "ngôi sao" mới liên tiếp nổi lên thì lại một lần nữa, nó lại được rất nhiều người nhắc tới. Lần này, họ không nhắc tới Lương với "tư cách" là một gã du đãng tiếng tăm mà với một "tư cách" khác: bố của Linh "cu".

Tục ngữ có câu: "Con hơn cha là nhà có phúc", nhưng riêng nếu áp dụng vào trường hợp của gia đình Lương thì đó lại là đại họa. Lương nghiện - cậu con trai Đinh Văn Lĩnh còn bất khuất hơn khi chơi ma túy từ khi mới mười mấy tuổi. Lương du đãng - nhưng Đinh Văn Lĩnh còn được liệt vào hàng sát thủ số 1 tại đất Cảng khi chỉ mới mười lăm, mười sáu tuổi. Người có công lớn trong việc giúp cậu con trai của Lương "cái ghẻ" vượt mặt cha chính là một chiến hữu một thời của Lương: Cu Nên.

Cu Nên là một "biểu tượng" của cái ác tại Hải Phòng những năm thập kỷ 90. Kể cả khi Nên đã đền tội ngoài trường bắn từ rất lâu, nhiều người dân đất Cảng vẫn còn giữ nguyên kí ức sợ hãi khi nhắc tới cái tên này. Tàn bạo, khát máu và cực kì hung hãn - Cu Nên và đám đàn em là thứ quỷ dữ khiến không chỉ người dân bình thường mà cả đám giang hồ máu mặt cũng sợ tới phát run. Nhưng chính bản thân Nên lại rất ít khi trực tiếp ra tay đâm chém. Thay vào đó, người ta sợ hãi Nên vì hắn nắm trong tay những cỗ máy giết người kinh khủng: Đinh Đình Tuyển và Đinh Văn Lĩnh - tức Linh "cu".

Mười lăm, mười sáu tuổi, Linh "cu" đã được Nên huấn luyện rất nhiều thứ: biết bắn súng, biết đâm chém người, biết chạy xe máy tốc độ cao và đặc biệt nhất là một thứ: không biết sợ. Đầu óc non nớt của gã sát thủ máu lạnh đã được Cu Nên "tẩy não", khiến việc đâm chém, giết người đối với Linh "cu" trở nên bình thường như ăn cơm, uống nước. Gã giang hồ nhóc con có gương mặt bầu bĩnh, đôi môi dày và cặp mắt ti hí như loài rắn độc này một thời khiến cả đất Cảng kinh hoàng. Chỉ cần một va chạm nhỏ nhất, Linh "cu" sẵn sàng nổi máu điên rút dao, rút súng ra triệt hả, dù đối thủ của hắn có thể chỉ là một người dân hết sức bình thường.

Người duy nhất có khả năng nói được Linh "cu" chỉ có mỗi Cu Nên. Tiếc là ông chú của hắn chưa bao giờ nói điều hay lẽ phải gì mà ngược lại, mỗi câu nói đều là một mệnh lệnh tanh mùi máu. Dưới sự chỉ đạo của Nên, Linh "cu" đã thực hiện hàng chục vụ thanh toán rùng rợn với sự lạnh lùng tới đáng sợ. Tới khi phải trả giá trước pháp luật, Linh "cu" may mắn thoát được án tử hình cho hàng loạt tội danh nghiêm trọng nhờ việc hắn ... vẫn còn chưa đầy 18 tuổi. Hắn chỉ phải nhận án chung thân.

Bước chân vào trại cải tạo, không còn "ông chú" hung thần bên cạnh nhưng sự hung hãn và liều lĩnh của Linh "cu" vẫn còn nguyên vẹn. Những tưởng với một bản án quá nhẹ nhàng so với những việc hắn đã từng làm, Linh "cu" sẽ biết quý trọng cuộc sống và cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng dòng máu lạnh lùng của quỷ trong Linh "cu" vẫn cứ tiếp tục cuốn hắn lún sâu thêm vào tội lỗi. Ngay trong trại giam, Linh "cu" vẫn tiếp tục giết người. Chỉ vì một ân oán nhỏ với một phạm nhân cùng trại, Linh "cu" nổi điên cầm kéo đâm liên tiếp vào người này cho tới khi anh ta gục hẳn. Lại thêm một cái án giết người nữa giành cho hắn, tuy vậy Linh "cu" vẫn chưa phải lĩnh án tử hình vì khi đó, hắn vẫn còn chưa đủ 18 tuổi.

Tội ác của gã sát thủ trẻ con vẫn chưa dừng lại tại đó. Sau khi nhận bản án chung thân thứ 2 và bị chuyển trại tới Thanh Hóa, Linh "cu" lại làm thêm một phi vụ động trời: Trốn trại. Cùng với một gã phạm nhân người Hà Nội có biệt tài mở khóa, Linh "cu" trốn thoát khỏi trại cải tạo và với sự liều lĩnh của mình, hắn tiếp tục gây thêm hàng loạt vụ án kinh hoàng. Ngay cả khi bị lực lượng công an dồn vào đường cùng, Linh "cu" vẫn như một con thú dữ nhả đạn đêin cuồng vào những người truy bắt. Án tử hình cuối cùng cũng đã được giành cho hắn, chấm dứt hành trình tội lỗi của một trong những tên sát thủ máu lạnh nhất trong lịch sử giang hồ đất Cảng.

Đứa con lạc lõng của ông trùm

Từ thời kì trước giải phóng, tay anh chị lừng lẫy Đại Cathay từng có một câu bất hủ: "Giang hồ không có vua". Câu nói này tương truyền được Đại Cathay nói với Nguyễn Ngọc Loan - khi đó đang là tổng giám đốc cảnh sát quốc gia - lúc được đề nghị "giúp đỡ" chính quyền một tay để ngăn chặn đám dân anh chị đang đầy rẫy vào thời kì đó. Tuy nhiên đến thời của ông trùm Năm Cam, câu nói của Đại dường như đã không còn đúng.

Vị trí của Năm Cam trên giang hồ đã được xác địch bằng thân phận của những đứa con

Không ai gọi Năm Cam là vua, nhưng thay vào đó, con trai của ông trùm được gọi với cái tên đặc biệt: Trương Hiền Bảo thường được biết tới với cái tên Bảo "thái tử", con rể Dương Ngọc Hiệp có hỗn danh Hiệp "phò mã". Một cách nghiễm nhiên, vị trí của Năm Cam trên giang hồ đã được xác địch bằng thân phận của những đứa con. Nhưng ngoại trừ một cái tên lạc lõng: Trương Văn Hùng.

Trương Văn Hùng không hề giống với bất kì đứa con nào của ông trùm. Kết quả của mối tình thời trẻ dại chưa khi nào được Năm Cam thừa nhận và suốt một thời gian dài, Trương Văn Hùng được biết tới với tư cách "cháu ruột" - con của bà chị Tư Sẩm. Hùng sinh năm 1962, tức là khi Năm Cam có đứa con trai đầu tiên y chỉ mới vừa tròn ... 15 tuổi (Năm Cam sinh năm 1947). Khác với Trương Hiền Bảo hay thậm chí cả gã con rể Hiệp "phò mã", Trương Văn Hùng không nhận được bất cứ sự quan tâm nào từ người cha ruột - ngay cả khi Năm Cam đang đứng ở "đỉnh cao" của giang hồ. Không ai gọi Hùng là "hoàng tử" hay "thái tử", thay vào đó là một biệt hiệu hết sức tầm thường: Hai Nhái.

Lý do của sự ghẻ lạnh Năm Cam dành cho Hai Nhái bắt đầu từ việc đứa con này dường như lạc lõng so với "truyền thống" của gia đình. Không những sở hữu lá gan tí hon kèm theo tính cách nhu nhược, Trương Văn Hùng còn là một con nghiện nặng - điều mà Năm Cam ghét cay ghét đắng. Khi mở rộng hoạt động kinh doanh, rửa tiền vào các nhà hàng sang trọng, mỗi đứa con của Năm Cam đều được tin tưởng giao cho những vị trí quan trọng, riêng Trương Văn Hùng được "ưu ái" phân cho một chân ... bảo vệ. 

Trong sinh hoạt đời thường, chỉ vợ con của Hùng được Năm Cam chu cấp, riêng Hùng thì tự ra đường kiếm tiền thõa mãn cơn nghiện ngập. Tuy nhiên, dù không nhận được sự quan tâm từ người cha nổi tiếng, Trương Văn Hùng lại may mắn sở hữu một "bảo bối" khác: Gương mặt giống cha như tạc. Chỉ cần nhìn qua, người ta hẳn có ngay sự liên hệ giữa Hùng và Năm Cam và trong thời kì "hoàng kim" của ông trùm, gương mặt này chính là thần hộ mệnh của đứa con trai nghiện ngập. Không một kẻ giang hồ nào muốn đụng chạm tới gã du đãng có ngoại hình hệt như một phiên bản thứ 2 của Năm Cam, dù cho gã du đãng đó có mang một lá gan chuột nhắt.

Khi Năm Cam kết thúc "sự nghiệp" ngoài trường bắn, số phận của Hùng dường như cũng đã được định đoạt. Thiếu đi tấm bùa hộ mệnh, Hùng biết thân biết phận không dám nhúng chân vào thêm bất kì một phi vụ nào của giang hồ. Hơn ai hết, hắn biết lá gan và bản lĩnh của mình chẳng có thể làm được gì nếu vắng đi chỗ dựa vững chãi từ danh tiếng người cha. Thay vào đó, con trai của ông trùm lừng lẫy một thời chọn một "công việc" ít đụng chạm hơn: làm chân giao hàng cho đám buôn ma túy cò con, hàng ngày kiếm chút tiền thỏa mãn cơn nghiện ngập. 

Quả nhiên, chẳng một gã giang hồ nào thèm chấp nhặt với một tên "âm binh" như hắn, bởi vậy những ân oán giang hồ cũ dường như cũng không còn làm khó dễ Hùng. Tuy nhiên, dù giang hồ không thèm "chấp", nhưng pháp luật không có khái niệm "âm binh" hay "số má". Trong một lần đi giao hàng tại chân cầu Nhị Thiên Đường lấy 100.000 đồng, Trương Văn Hùng đã bị công an bắt giữ. Với tội danh tàng trữ trái phép chất ma túy, cộng với những tội danh trước đó, Hùng bị tuyên phạt mức án 9 năm tù.

Không chỉ là số ít

Điểm danh qua một số gương mặt cộm cán, người ta giật mình thấy rằng không chỉ riêng họ phải trả giá vì những sai lầm của chính mình. Cái giá phải trả oan nghiệt đó còn được tính cả lên đầu con cái họ. Sát thủ Luông "điếc" một thời lừng danh đất Sài Gòn đã có "người kế thừa" cả trai cả gái với hai cái tên đình đám không thua kém gì cha: Dũng "liều" và Trang "hí". Phúc "bồ" - bà trùm đất Hà Nội một thời tay dao tay búa chỉ huy cả trăm gã đàn em

nay đang nhận sự quả báo cuộc đời với căn bệnh mất trí và bại liệt, nhưng biết đâu nó cũng là một sự may mắn khi bà ta không còn tỉnh táo để chứng kiến những đứa con mình dứt ruột đẻ ra đang chết dần chết mòn về ma túy. Cả ông trùm hàng trắng Trịnh Nguyên Thủy - hành trình gieo rắc cái chết cho đồng loại của ông ta không chỉ dừng lại ở bản án tử hình. Còn một bản án khác đau xót hơn khi chính con trai của Thủy cũng là con nghiện nặng...

Không khó để lý giải việc những "hậu duệ" của giang hồ thường ít khi chọn nổi cho mình một con đường tốt đẹp. Ảnh hưởng của môi trường sống, của sự giáo dục lên quá trình hình thành nhân cách của mỗi người là vô cùng quan trọng. Khi những đứa trẻ lớn lên trong dòng nước đục của giang hồ, khi những bậc cha mẹ thay vì làm gương cho con cái lại gieo rắc lên đầu óc của chúng những suy nghĩ sai lầm, việc những đứa con của họ sớm sa ngã giống như một điều tất yếu phải xảy ra. Mải miết đua tranh kiếm tìm quyền lực, lao đầu vào vòng xoáy của bạc tiền, đôi lúc những kẻ tội phạm khét tiếng ấy đã bỏ quên thứ tài sản quý giá nhất của đời người: con cái. Và tới khi đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật, họ mới thảng thốt nhận ra rằng những gì mình từng sống chết để tranh giành ấy phù phiếm tới mức nào. 

Dư Kim Dũng - ông trùm thuốc lắc đất Bắc từng rơi nước mắt khi đứa con trai ra đời mà không có sự chăm sóc của người cha. Lê Xuân Trường - tức Trường "ăn cắp" - gã kẻ cướp máu lạnh bậc nhất đất Cảng từng thản nhiên đối mặt với án tử hình, nhưng cũng phải nghẹn ngào khi nhìn tấm hình của đứa con trai và tự hỏi: "Liệu sau này con tôi có thành người tử tế được không?" Những giọt nước hiếm hoi, những phút giây yếu đuối khó tin của những kẻ tội phạm khét tiếng ấy giá như có thể đến sớm hơn, biết đâu đường đời của họ sẽ không dẫn tới vực sâu tội lỗi. Để rồi khi phải đền tội trước pháp luật, mọi hối hận đều đã muộn màng...

Vietnamnet