Khi mất chồng vẫn ôm tay vợ
Gương mặt thanh tú, đôi mắt đen ướt buồn, chiếc áo vải bạc màu, lam lũ chị Nguyễn Thị Vân (Xuân Trường, Nam Định) khiến tôi ngay từ buổi đầu gặp mặt đã có cảm giác bùi ngùi dù chẳng biết vì sao. Khi câu chuyện dần trở nên thân mật, chị trầm giọng, có lúc nghẹn ngào rớm nước mắt kể cho tôi nghe nỗi buồn trong lòng mình.
"Cuộc đời tôi buồn lắm, ngày đi làm mệt quên đi thì thôi, chứ đêm về là khóc. Nhiều lúc nhìn thấy cảnh nhà người khác vợ chồng con cái ríu rít đầm ấm cũng khóc. Bởi nghĩ đến nhà mình ngày xưa cũng thế, cả nhà quây quần, vui vẻ biết bao, thế mà giờ vợ chồng cách biệt âm dương, mẹ con mỗi người mỗi ngả, chị Vân chia sẻ.
Chị Vân bảo mất đi người bạn đời ai cũng đau khổ, nhưng với chị, nỗi đau còn nhân lên gấp bội vì hai vợ chồng chị thương yêu nhau hết lòng. "Chúng tôi ở cùng xóm, chơi với nhau từ khi còn mặc quần thủng đít nên thân, hiểu nhau lắm. Nhiều ông chồng ở quê gia trưởng, không muốn vợ diện, nhưng chồng tôi lại khác. Hai vợ chồng làm nông nghiệp, đều nghèo, nhưng hễ có chút tiền là anh ấy lại giục vợ đi mua quần áo. Cái dây chuyền này cũng là của anh ấy mua tặng, dặn tôi dù hoàn cảnh nào cũng được bán, thấy nó như thấy anh", chị Vân vừa mân mê sợi dây, vừa rơm rớm nước mắt kể.
Đến tận bây giờ chị Vân cũng vẫn không hiểu tại sao chồng chị lại mắc căn bệnh oan nghiệt đó. Hai năm chồng chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai, là hai năm đong đầy mồ hôi, nước mắt của chị. Của cải trong nhà có gì bán hết, vay mượn tứ tán khắp nơi mà chị vẫn không giữ được anh. Và chị không bao giờ quên được giây phút, tới tận lúc ra đi, anh vẫn rướn giữ chặt bàn tay vợ trên ngực mình, nước mắt chảy dài như không nỡ rời xa.
Bỏ việc nhiều tiền vì sợ... bị yêu Chồng mất, hai con nheo nhóc, bố mẹ chồng già yếu, hơn 30 chục triệu tiền nợ là một con số khổng lồ đối với người đàn bà đang tưởng như không còn đứng vững vì nỗi đau mất mát. Nghĩ ở quê trông vào cây lúa thì không biết bao giờ mới trả hết nợ, nuôi được con, chị Vân quyết định gửi con nhờ ông bà trông nom giúp rồi khăn gói lên Hà Nội đi làm thuê. May mắn, chị gặp được nhiều người tốt, thông cảm với cảnh ngộ của chị. Trong số đó, có một phụ nữ thường gọi chị tới giúp dọn dẹp cơ quan đã mời chị về nhà làm giúp việc, trả lương cao. "Chị ấy tốt lắm, sau khi biết hoàn cảnh của tôi thì rất thương. Tôi về làm cho chị, công việc nhẹ nhàng mà thu nhập lại cao. Nhưng có một chuyện xảy ra khiến tôi đành phải từ biệt chị", chị Vân kể. "Chị ấy có một người em trai, nghe đâu cũng làm sếp ở một công ty, hơn tuổi tôi nhưng vẫn chưa từng lấy vợ. Những lần tới thăm chị gái, anh ấy hay trò chuyện với tôi. Thế rồi, một hôm, anh ấy ngỏ lời yêu tôi, muốn cùng tôi xây dựng hạnh phúc. Tôi chối từ, anh ấy vẫn "tấn công". Chẳng còn cách nào khác, tôi đành xin nghỉ việc, dù trong lòng vô cùng tiếc", chị Vân tâm sự. Tôi hỏi chị, vì sao chị lại từ chối một mối "lương duyên" như thế, chị cười buồn: "Anh ấy có điều kiện kinh tế, lấy anh tôi sẽ chẳng phải lo nghĩ gì chuyện cái ăn cái mặc. Nhưng còn các con tôi, tôi nghĩ ít có người đàn ông nào muốn vợ đem theo con riêng khi lấy chồng. Tôi không thể bỏ mặc các con hưởng hạnh phúc một mình. Hơn nữa, điều quan trọng, tôi không có tình cảm. Không chỉ với anh mà cả những người đàn ông khác. Có lẽ tôi chẳng thể yêu ai như đã yêu chồng. Hình ảnh anh vẫn văng vẳng trong đầu". Và hằng ngày, chị Vân rong ruổi khắp các tuyến phố Hà Nội góp nhặt từng đồng từ gánh đồng nát gửi về nuôi con trai, phụng dưỡng bố mẹ chồng và chu cấp cho cô con gái đang theo học ở Hà Nội. Tuy vất vả, cực nhọc, nhưng điều an ủi là các con chị đều ngoan, thương mẹ, học hành chăm chỉ. Chị bảo, chị chỉ cần có thế.