TIN TỨC » Tin trong ngày

Chồng hờ đồi bại con lớn, út với mẹ cơm độn ngô

Thứ ba, 17/07/2012 14:05

Không biết chữ, chị Nông Thị Phổng thôn Suối Cái xã Quan Sơn (Chi Lăng - Lạng Sơn) chỉ biết cầm con dao chặt cây, cuốc miếng đất quanh nhà mình để trồng cây ngô xuống. Hàng ngày, hai mẹ con ăn cơm độn ngô, hết gạo thì ăn ngô không trừ bữa.

Chồng hờ “giở trò” với con gái

Chị Phổng bị mắc bệnh lúc nhớ lúc quên, chỉ nói được vài câu tiếng Kinh, thậm chí chị cũng chẳng biết mình năm nay bao nhiêu tuổi, ai hỏi thì chị bảo là bốn hay năm mươi tuổi rồi.

Chị có một người con gái riêng sinh năm 1988, khi mới sinh con có người hỏi bố đứa bé là ai thì chị lắc đầu, ai cũng nghĩ chị giấu nên giả vờ không biết nhưng càng ngày chị càng có những biểu hiện lạ và khó hiểu nên bà con làng xóm kết luận có lẽ chị cũng không nhớ cha đứa con là ai.

Chị Nông Thị Phổng

Đến năm 1998, chị lấy một người chồng, nhưng thực chất là người này đến ở với chị chứ không có giấy đăng ký kết hôn. Cuộc đời chị ngỡ tưởng sẽ bước sang một trang mới vì từ đó trở đi chị có nơi nương tựa.

Nhưng lợi dụng lúc chị không có nhà người bố dượng đã giở trò đồi bại với con gái chị. Mọi chuyện vỡ lở, người chồng hờ đi cải tạo, con gái bỏ mẹ, bỏ nhà đi.

Chị lại thui thủi một mình, bữa bữa cơm độn ngô nuôi con gái út. Dù không hiểu biết nhiều nhưng có ai lỡ hỏi con gái cả đâu thì sự khắc khổ hiện rõ trên khuôn mặt đen sạm của chị, hai con mắt nháy nháy và những giọt nước mắt lại chảy.

Hết sạch gạo thì ăn ngô không

Ngôi nhà của hai mẹ con chị nằm sâu trong một góc rừng, đường vào nhà chỉ duy nhất một lối mòn, hai bên đầy cây cỏ và cũng chỉ có thể đi bộ. Nằm cạnh những cây ngô thưa thớt là ngôi nhà trình tường lụp xụp, xiêu vẹo.

Ngôi nhà trình tường ọp ẹp, mái sau có mấy tấm ngói pro, mái trước lợp bằng rơm rạ

Theo ông Vi Nghĩa Văn trưởng thôn Suối Cái (Chi Lăng-Lạng Sơn) thì chị Phổng tuy kém hiểu biết nhưng được cái chăm chỉ làm, ngoài trồng ngô, trong làng có ai nhờ việc gì chị cũng làm, đổi công lấy gạo. Hai năm trước gia đình chị Phổng có được nhà nước hỗ trợ tiền mua ngói lợp nhà nhưng sau một cơn mưa kèm với gió lớn nhà chị bị tốc mái, sót lại mấy tấm lợp đằng sau, còn đằng trước lợp rơm, rạ nên khi trời mưa là dột tứ tung.

Ngô được xay nhỏ để nấu độn gạo

Bước vào trong ngôi nhà ẩm thấp có mùi bốc lên nồng nặc, đồ đạc bừa bộn, bát đũa bỏ lung tung trên giường, dưới đất. Chiếc giường hai mẹ con chị nằm một đầu bị mưa dột ướt hết cả chăn chiếu. 

Trên tấm ván đặt sát giường là hai cái bao, bao to đựng khoảng 30kg ngô hạt, còn bao nhỏ đựng khoảng 10kg gạo cứu đói. Khi được hỏi hết gạo thì hai mẹ con chị ăn gì, ông trưởng thôn “phiên dịch” lại: “Hết gạo thì ăn ngô không”.

Ở tấm phản giữa nhà là những hạt ngô đã được xay nhỏ để ra mâm, chiếc rá và cả chiếc bao bẩn thỉu cũng được tận dụng, lúc nấu cơm sẽ lấy một nửa gạo, nửa ngô xay độn vào nhau để ăn được lâu hơn.

Bên cạnh là chiếc chạn cũ kỹ, chứa một cái bát con đựng củ gừng cay chấm muối trắng ăn dở. Hỏi ra mới biết, bữa trưa chẳng có gì ăn nên hai mẹ con chị lấy củ gừng chấm muối ăn với cơm độn ngô.

Củ gừng muối còn sót lại với cơm độn ngô.

Bee