“Đệ nhất ăn chơi”
Nhà báo, nhà văn Phan Trung Nghĩa, người được giới cầm bút phong tước hiệu “Công tử Bạc Liêu” (CTBL) không chỉ vì anh là tác giả quyển sách “Công tử Bạc Liêu - sự thật và giai thoại” mà còn bởi phong cách chơi đến “mát trời ông địa”, đã có lần thú nhận với tôi rằng: “So với “kỳ tích” của tiền bối, tôi chưa được đứng gần hàng rào của cái thành trì ăn chơi đó”.
Theo Phan Trung Nghĩa, đối tượng khai sinh ra thành ngữ CTBL chính là Huỳnh Văn Phước, gọi theo tiếng Hoa là Dù Hột, con của ông chủ Chá, một đại địa chủ xứ Bạc Liêu. Tương truyền Dù Hột “chịu chơi” đến mức khi thấy có 5 chiếc xe tranh nhau chở khách bèn bao tất tần tật vì ngưỡng mộ cái thú trả tiền không cần “cân đo đong đếm”.
Chiếc chở công tử, chiếc chở nón, chiếc chở gậy, chiếc chở cặp da và chiếc chở mắt kiếng. Về sau thành ngữ CTBL được “xã hội hóa”, gọi chung cho tất cả những “địa chủ con” ở Bạc Liêu có máu ăn chơi danh bất hư truyền. Mỗi người mỗi nết, nhưng tất cả đều có điểm chung là xem tiền như giấy lộn và chẳng có món ngon vật lạ nào trên đời này mà các “cậu” chưa trải qua.
Đương thời, người ta xếp hạng CTBL theo 4 trường phái. Đại diện cho trường phái “trăng hoa” là công tử Điều. Cậu sẵn sàng hạ lệnh cho tá điền vác cả trăm giạ lúa đổi lấy một đêm vui với người đẹp. Mỗi lần là một “hương đồng gió nội” khác nhau, quyết không lặp lại. Lưu truyền sau một đêm vui vẻ với con gái ông Trần Thanh Bạch - người được mệnh danh là người đẹp xứ Bạc Liêu thời ấy, công tử tỏ ra rất đẹp lòng nên “bo” thêm tiền cho người đẹp cất nhà, còn chuyện tình cảm thì công tử đã đoạn tuyệt ngay sau cái đêm “hôm ấy”.
Đại diện cho trường phái “văn nghệ” là công tử Lũy. Không chỉ thường xuyên tổ chức đại tiệc, công tử còn nuôi nấng cả đoàn ca hát trong nhà. Đại diện cho trường phái “yêng hùng” là công tử Cân (Phan Kim Cân). Từng học luật ở Hà Nội, nhưng do ghét Tây nên công tử nhất định không làm việc cho tụi “mắt xanh mũi lõ”, mà ở nhà tổ chức nuôi chứa các chí sĩ yêu nước, trong đó có chí sĩ Nguyễn An Ninh... “Gắt củ kiệu” nhất là trường phái do cậu Ba Huy, tức Trần Trinh Huy, đứng đầu.
Từng du học bên Tây, lại là con trai đại điền chủ nức tiếng giàu có Trần Trinh Trạch, người sở hữu 110.000ha lúa và hơn 100.000ha muối... nên cậu Ba Huy có những cách chơi vượt cả “mình rồng”. Cậu rinh về chiếc xe “mu rùa” Peugeot, loại xe mà đương thời chỉ có vua Bảo Đại mới dám sắm để vi hành, chỉ để đi... thăm ruộng. Thậm chí sau này cậu Ba còn mua cả máy bay làm chân đi thăm ruộng và thuê người Tây về làm quản lý điền sản...
Còn về “bản lĩnh đàn ông”, cậu Ba quả là cao thủ khi không chỉ cưới vợ Tây mà còn là người đầu tiên ở miền Tây tổ chức thi “đấu xảo sắc đẹp” vào năm 1940 với vai trò là chủ khảo. Danh sách "nhân tình, nhân ngãi" của cậu Ba, toàn là người đẹp và nghệ sĩ nổi tiếng đương thời, dài đến mức ngay cả cậu cũng không sao nhớ hết...
Nói về “kỳ tài ăn chơi” quả cậu Ba Huy xứng danh là đệ nhất CTBL, bởi trên đời này chỉ mỗi món “gan rồng” là chưa từng nếm. Nhưng chính đây là “gót chân A-sin” khiến sau này vị đệ nhất CTBL đã bị qua mặt, mà người đó lại là cháu ruột kêu cậu Ba bằng cậu: Công tử Khánh.
“Mình rồng” và “đại yến gan rồng”
Sinh năm 1940, cầm tinh con rồng, cuộc đời của công tử Khánh (tên thật là Phan Kim Khánh) có lúc ăn chơi chẳng kém “mình rồng”. Là sản phẩm của cuộc tình đầy lãng mạn giữa “công tử yên hùng” Phan Kim Cân và quý nữ thứ sáu của đại điền chủ Trần Trinh Trạch - bà Trần Thị Đông, lẽ đương nhiên ông Khánh sẽ trở thành công tử, nhưng chính cái tính “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” đã thôi thúc ông cố công tạo dựng cho mình “thương hiệu riêng” đến mức người từng trải như cậu Ba Huy cũng chào thua vì chưa lần được nếm món “gan rồng” như cháu.
Chúng tôi đến nhà công tử Khánh ở Cầu Sập, ngoại ô TP.Bạc Liêu. Nếu không được giới thiệu trước, tôi khó lòng tin được ông Khánh đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm (72 tuổi). Thời gian và sự sa sút kinh tế vẫn không làm lu mờ được vẻ sung mãn và nét quý tộc của người cuối cùng được hưởng trọn “danh vị” CTBL. Vừa nghe có khách viếng, ông khui hũ rượu ngâm cả tổ ong mật để nhâm nhi với món heo quay đặc sản xứ Bạc Liêu. Đúng là công tử! Sau mấy vòng xã giao, rượu ngà ngà, người đàn ông có 7 đời vợ chính thức với 7 dòng con này đã hé lộ cuộc đời ăn chơi “bá cháy” của mình.
Khoảng đầu thập niên 1960, được gia đình đưa lên Sài Gòn ăn học, nhưng do cái máu ăn chơi cứ rần rật nên dù được chu cấp khoản tiền rất lớn, nhưng thỉnh thoảng công tử Khánh vẫn phải về Bạc Liêu bán ít căn phố lầu. Một lần đang buồn vì hết tiền, bỗng công tử Khánh được gã người Hoa, một đại gia trong giới kinh doanh đồ cổ, kêu đến cho tiền với điều kiện: Về nhà ông ngoại lấy cặp lục bình đầu tiên trong số 5 cặp đang trưng bày, sẽ được thưởng 250.000 đồng.
Công tử Khánh càng hoảng hồn khi gã người Hoa nói rõ mồn một: “Cặp lục bình cao 7 tấc, có hình con rồng 5 móng ôm quanh, dưới đít có ấn triện đỏ”. Đến lúc “chôm” được, công tử Khánh càng hốt hoảng: Thằng cha này biết rành đồ trong nhà ông ngoại hơn cả cháu ruột. Cặp lục bình mang lên, gã người Hoa mân mê như trứng mỏng. “Rồng 5 móng là đồ ngự dụng. Đây là báu vật”. Nói xong, không chỉ giao đủ tiền, gã người Hoa còn thưởng thêm: “Nghe đồn cậu thích ăn chơi, bữa nay tôi đãi “nhất dạ đế vương”.
Là tay “chọc trời”, nhưng trong suốt cuộc đời ăn chơi đã qua và mãi đến sau này, công tử Khánh không bao giờ trải qua cảm giác tuyệt diệu như lần thưởng thức bữa “đại yến gan rồng” hôm ấy. “Mình mặc long bào, vừa ngồi vào ngai vàng đã có hoàng hậu đẹp như tiên giáng trần sà vào lòng, bên dưới 20 cung nữ “tuyệt sắc” uốn éo mời gọi...” - giọng ông Khánh trở nên nóng hổi. “Sau khi vui vầy với hoàng hậu, đến giờ ăn, một tên đóng vai thái giám bước vào nói léo nhéo giọng “xăng pha nhớt”: “Xin hoàng thượng ban thiện ngự”.
Đang cao hứng, nổi máu công tử, ông Khánh kêu: “Gan rồng”. Tưởng là nói chơi, nào ngờ một hồi sau tên thái giám bưng lên cái khai bên trong là con rồng được cắt tỉa từ củ hủ dừa đẹp như... tranh. Giữa bụng rồng là lá gan to cỡ cái chén. Vừa dọn, thái giám vừa giải thích: “Bẩm đây là gan con công. Công gần với phụng mà phụng song hành và ngang tước với rồng, nên nay dùng gan công thay thế cho gan rồng, mời bệ hạ”... Vừa đưa miếng gan công qua đầu lưỡi, cái vị giác vốn no đủ “sơn hào hải vị” như được đánh thức bởi cái mùi thoang thoảng thơm, cái vị bùi bùi không gì sánh được khiến người từng trải như công tử Khánh cũng vỗ tay khen: “Thằng cha ba Tàu này cao tay ấn thật!”.
Đã hơn thế kỷ trôi qua, thế sự đã bao đổi thay, nhưng cái thành ngữ CTBL vẫn được lưu truyền. Mỗi người một cách nhìn nhận, nhưng có điều chắc chắn là chẳng một ai đủ can đảm nổi tiếng theo cái danh vị ấy.
- Tag
- Công tử Bạc Liêu