Một ngọn núi lửa khổng lồ dưới nước đã phun trào liên tục ở Tonga trong hai ngày 14 và 15/1. Vụ phun trào đã gây ra một đợt sóng thần khủng khiếp, bao phủ các hòn đảo xung quanh trong tro bụi và đánh sập hệ thống liên lạc ở quốc đảo này. Sóng thần cũng ảnh hưởng đến các quốc gia lân cận khu vực Thái Bình Dương, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Peru.
Sau vụ phun trào ngang sức nổ của hàng trăm quả bom nguyên tử này, các cuộc thảo luận liên quan đến vụ phun trào đã lan truyền trên khắp mạng internet. Nhiều người băn khoăn tại sao núi lửa lại đột ngột phun trào khi nó đã “ngủ yên” trong vòng nhiều thập kỷ và tại sao nó lại có quy mô khủng khiếp đến vậy. Mới đây, giáo sư Ji Jianqing tại khoa Khoa học Trái đất và Không gian của Đại học Bắc Kinh đã chia sẻ ý kiến của ông với tờ CGTN Nature.
“Việc núi lửa có phun trào hay không phụ thuộc vào mức áp suất của các khu vực có chứa magma (đá nóng chảy) nằm ở bên dưới miệng núi lửa. Nếu áp suất vượt quá áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng magma sẽ phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa”, ông Ji nói.
Áp suất trong khu vực chứa magma nằm dưới miệng núi lửa là yếu tố then chốt để xác định xem núi lửa có phun trào hay không
Giáo sư Ji cũng giải thích mối liên hệ giữa vị trí của Tonga và vụ phun trào núi lửa. “Tonga nằm trên vành đai lửa - khu vực thường xuyên xảy ra các vụ động đất và núi lửa phun trào. Vị trí thấp hơn của rãnh ở phía đông của núi lửa đã gây ra sự tích tụ magma cũng như khí gas và cuối cùng, nó dẫn đến một vụ phun trào lớn”.
Ông Ji cũng trả lời các câu hỏi về việc liệu vụ phun trào có phải là dấu hiệu cho sự dịch chuyển lớn của các mảng kiến tạo hay không và liệu vụ phun trào có ảnh hưởng nghiêm trọng đến biến đổi khí hậu hay không.
Vành đai núi lửa nhìn từ không gian
“Thực tế, núi lửa phun trào vẫn thường xuyên xảy ra. Vẫn chưa thể khằng định rằng vụ phun trào ở Tonga có đại diện cho nhiều vụ phun trào núi lửa sắp tới trên thế giới hoặc các mảng kiến tạo đang di chuyển thường xuyên hơn hay không”, ông Ji nói.
“Về mặt biến đổi khí hậu, dựa trên các quan sát từ vệ tinh, tổng lượng lưu huỳnh dioxide (một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu) do núi lửa Tonga thải vào tầng bình lưu là rất nhỏ. Trước đó, các trường hợp biến đổi khí hậu do núi lửa phun trào trong lịch sử cũng rất ít. Do đó, vụ núi lửa phun trào ở Tonga cũng ít có khả năng tác động lớn đến biến đổi khí hậu”.