Chẳng biết cái cảm giác chung chồng của những người phụ nữ như thế nào, nhưng câu chuyện về hạnh phúc kỳ lạ của ba vợ chồng già ở thôn An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cứ níu lấy bước chân tôi khi tìm về với xóm nghèo bên dòng sông Ly Ly này.
Chuyện tình kỳ lạ của chàng du kích
Ông Nguyễn Văn Tư, người dẫn tôi đi men theo đường bờ sông để đến căn nhà hạnh phúc của cụ ông Nguyễn Văn Tại (83 tuổi, quê gốc ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) với hai cụ bà Lê Thị Dân (81 tuổi) và Lê Thị Tráng 78 tuổi (quê Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam).
Ông Tư kể: "Người dân ở đây ai cũng biết chuyện của ông Tại cả! Thật sự họ là một gia đình rất hạnh phúc mà chúng tôi phải nể phục! Hầu hết ai cũng biết và đều có thể kể vanh vách cho tôi câu chuyện của họ. Dường như, đối với người dân nơi đây, câu chuyện về gia đình họ không chỉ "lạ" mà còn là biểu tượng của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha mà họ dành cho nhau”.
Căn nhà cấp bốn nằm hướng mặt ra sông, dưới rặng tre mát rượi, khi chúng tôi bước vào ngõ, cụ bà Lê Thị Tráng lụi cụi chống gậy đứng trước cửa ngóng ra hỏi: "Ai đó? Tìm nhà tui có việc chi?”! bằng chất giọng đặc xứ Quảng.
Ông Nguyễn Văn Tại giờ đã bước sang tuổi 83, kể: "Ngày ấy, bố mẹ mai mối chứ biết chi mà tìm hiểu nhau. Chọn đúng ngày lành tháng tốt, bố mẹ tui sửa soạn mâm cau trầu sang nhà gái dẫn lễ. Hồi nớ tui làm du kích, mới 19 tuổi thôi nhưng cũng gan dạ lắm! Bả (bà Dân - PV) thương tui ghê lắm! Rồi tui về nói cha mẹ xin cuới bả cuối năm đó. Năm sau đẻ được một đứa chừ cũng hơn 60 rồi đó chú! ông cụ cười nhẹ nhàng đầy vẻ mãn nguyện”.
Bà Tráng, vợ hai của ông ngồi bên cạnh bổ sung câu chuyện. Ngày chị gái lấy chồng, cô bé Tráng mới được mười sáu tuổi. Đó là vào những năm 50 của thế kỷ trước, sau khi ông lấy vợ lần thứ nhất với người chị, sống với nhau được mấy năm thì cha mẹ bà Dân qua đời, vì ở cùng làng nên bà Dân vẫn về thăm nhà thường xuyên, rồi không bao lâu sau cô em Lê Thị Tráng cũng theo về nhà chị gái để ở. “Chẳng hiểu sao tui cũng thương ổng lúc nào không biết! Hồi nớ chỉ biết thương vậy thôi chứ có biết chi mô”, bà Tráng (người em) cười móm mém với chúng tôi trong câu chuyện rộn ràng.
Năm 1958, ông Tại cưới thêm bà Tráng. Vì ở cùng một nhà trước đó, nên chỉ làm mấy mâm cơm đạm bạc, thế rồi về sống với nhau. Người làng An Lạc ngày ấy đã được chứng kiến một đám cưới "vô tiền khoáng hậu" khi vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng. Người tò mò thì đến xem thái độ của những người trong cuộc thế nào, người cảm thông thì đến chúc phúc cho đại gia đình họ đã khiến cho đám cưới dù giản đơn nhưng cũng rất tưng bừng, tiếng cười nói, tiếng pháo nổ râm ran cả một vùng quê nghèo.
"Hồi nớ còn khó khăn lắm, lo về mà làm lụng nuôi nhau thôi chứ đâu có tính toán được chi! Tui làm được cái lều bằng tre, lấy chỗ chui vào chi ra tránh nắng tránh mưa. Bà cả thì ở nhà ngoài, bà em thì ở trong, cứ thế tần tảo mần ăn qua ngày thôi!”, ông Tại nhớ lại.
Hạnh phúc đến bách niên giai lão
Rồi những đứa trẻ cũng lần lượt ra đời. Ba ông bà sinh cả thảy được mười người con, nhưng giờ chỉ còn lại có 6. người con lớn nhất là ông Nguyễn Văn Tài, đã xấp xỉ 60 tuổi, người con út tên Nguyễn Văn Chút còn lại năm nay cũng đã ngoài bốn mươi cùng các anh chị Thiếu, Lợi, Líu, Lỡ. Hỏi ông làm sao để gia đình hòa thuận được, vì thật khó để tôi có thể hình dung "kiếp lấy chồng chung" khi bà cả, bà hai cùng sống trong một ngôi nhà.
Hiểu được nỗi thắc mắc của tôi, bà Tráng kể lại: "Ngôi nhà tranh ba gian được ngăn ô. Bà cả nằm gian ngoài, tôi nằm gian trong. Dẫu vẫn gọi "chị" xưng "em" với chị gái nhưng lúc này thân phận của chúng tôi đã khác. Ngày ngày, cả ba người cùng ăn chung mâm, cùng đi lưới cá, cùng làm lúa và cùng nuôi lũ nhỏ. Cũng có lúc chị em chung đụng, lời qua tiếng lại nhưng sau đó lại quên ngay vì dẫu thế nào cũng là chị em ruột chú à".
Các con của ông bà cũng chẳng kể con của bà cả, bà hai gì hết, hai bà đều được gọi là mẹ. Có chút lộc hay quà biếu, họ chia đều nhau cùng tận hưởng. Ông Nguyễn Văn Tư, hàng xóm của ba vợ chồng tấm tắc nói với tôi: "Tui sống ở đây mấy chục năm rồi từ hồi giải phóng tới chừ mà chưa một lần nghe lời qua tiếng lại giữa ổng bả. Cả mấy nguời con cũng vậy, chưa hề một lần thấy họ có xích mích với nhau. Cảnh chồng chị chồng em như vầy kể cũng kỳ lạ!”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, trưởng thôn an lạc cũng cho biết thêm: "Đó là một gia đình hạnh phúc nhất mà tôi từng biết. Người ta một vợ một chồng mà còn bao nhiêu chuyện, vậy mà hai bà với một ông mà lại chẳng có chuyện chi mới lạ! Già rồi mà mỗi lần đi đám, đi hội ổng dắt hai bà theo nhìn tình tứ lắm! Tui vẫn thường lấy gia đình ổng làm gương, cùng nói với mọi người cứ nhìn vào đó mà sống cho tốt!".
Bây giờ con cái của ông bà đã có người lên hàng lão, nhưng vẫn một mực hiếu thuận với cha mẹ. Dù gia cảnh cũng chẳng mấy khá giả, nhưng vợ chồng ông Tại và cả gia đình, con cái, cháu chắt vẫn vui vẻ, đề huề, tuơng ái lẫn nhau.
Ông nhìn tôi rồi nói: "Tui đã sống gần hết cuộc đời của một con người, đã trải qua đủ hỉ, nộ, ái, ố của trần gian và ngộ ra nhiều điều. Điều tui rõ nhất là hạnh phúc thì không bao giờ trọn vẹn. Trời cho mình cái này nhất định sẽ lấy đi của mình cái khác. Trời không cho tui tiền bạc, nhưng cho tui một gia đình hạnh phúc. Vậy là tui cũng mãn nguyện rồi! Chẳng còn mong chi nữa! Bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của ông bà là các con, các cháu, các chắt và chẳng phân biệt con bà nào, dâu hay rể, mỗi khi nhà có công việc thì cùng xúm vào giúp đỡ nhau, đỡ đần bố mẹ. Thế là vui lắm rồi. Nhà tôi chỉ thiếu cơm, thiếu gạo chứ không thiếu tình cảm!", ông Tại chia sẻ.
Năm nay bà Dân bị bệnh, bà Tráng và ông Tại ngày ngày vẫn lo cho từng chén cháo, từng bát nước, từng viên thuốc. Người ta vẫn thường nói con chăm cha không bằng bà chăm ông, nhìn cách chăm sóc lẫn nhau của ba vợ chồng ông Tại, tôi càng thấm thía câu nói ấy. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ba con người ấy đã cùng nhau bước qua những tháng ngày gian khó, viết lên câu chuyện về tình yêu, tình chị em, nghĩa vợ chồng đẹp như trong cổ tích.