TIN TỨC » Tin trong ngày

Chuyện rung động: một xã chết ung thư hàng trăm người?

Thứ tư, 09/05/2012 11:13

Cứ theo cách tính này thì trong 10 năm trở lại đây, Minh Tân có đến hàng trăm người chết vì căn bệnh quái ác này.

Nhà trưởng thôn Tử Lạc (Minh Tân, Kinh Môn, Hải Dương) Đào Văn Mạnh nằm lúp xúp rìa làng Tử Lạc, ngay cạnh những hồ nước lô nhô do đào cao lanh và những quả núi đang khai thác đá trắng xóa, nham nhở. Căn nhà nhỏ xíu, lọt thỏm dưới những tán cây, nhưng cũng không tránh khỏi bụi bặm. Tôi gõ cửa mãi, anh mới lồm cồm bò dậy. Anh Mạnh bảo, lúc nào đi đâu thì thôi, chứ ở nhà là đóng cửa kín mít, bịt hết các lỗ, khe hở để tránh bụi bặm. Ở trong nhà mà như hang chuột. Giữa trưa nắng chang chang, nhà lại rìa làng, nhưng lúc nào cũng phải bật điện. 

Anh Mạnh chỉ quả núi hiếm hoi ở Tử Lạc chưa bị phá.

Hỏi chuyện bụi bặm, ô nhiễm, anh Mạnh vô cùng bức xúc. Anh bảo, ngày nào vợ anh cũng quét mái nhà và thu được… thúng bụi.  Cũng như hầu hết người dân trong vùng, anh Mạnh khẳng định đêm xuống, khi người dân đi ngủ, các nhà máy xi măng thi nhau xả bụi, khói đen cuồn cuộn. Nhiều hôm, đi về muộn, quần áo đen như nhuộm than.  Cũng theo lời anh Mạnh, hôm nào có đoàn kiểm tra về, thì đường làng ngõ xóm, cây cối sạch tinh, vì máy móc đi phun nước, dọn dẹp. Khi các đoàn kiểm tra rút đi, thì đâu lại vào đó.

Làng Bích Nhôi nằm ngay cạnh Nhà máy xi măng Hoàng Thạch.

Khủng khiếp nhất là mấy tháng mùa xuân. Khi đó, không khí ẩm ướt, sương mù, bụi không bay đi xa được, nên rơi ngay xuống làng. Không khí ẩm ướt cộng với khói bụi, khiến người Tử Lạc ngộp thở.  Anh Mạnh cũng tố cáo rõ ràng những đơn vị gây ô nhiễm, gồm các nhà máy xi măng, cao lanh, đóng tàu và các doanh nghiệp khai thác đá. Các doanh nghiệp thi nhau đào đất, phá núi, nghiền đá làm giàu, còn người dân thì chịu hậu quả bệnh tật, chết người.  Hỏi về số người mắc ung thư, anh Mạnh không nắm được. Anh chỉ có thể nói là rất nhiều, hàng trăm, không thể đếm hết được. 

Nhà máy xi măng Hoàng Thạch.

Anh Mạnh đã dẫn tôi đi một vòng quanh các công trường khai thác đá, để thấy thảm họa ô nhiễm khủng khiếp như thế nào. Chúng tôi đi một vòng quanh mấy rặng núi, thì quần áo trắng toát vì bụi đá.  Ông Trần Văn Thiện, Trạm trưởng Trạm y tế Minh Tân cũng khẳng định, tình trạng ô nhiễm ở Minh Tân nói riêng và toàn huyện Kinh Môn nói chung là rất bức xúc.  Ông bảo, nhà ông cách trạm y tế không xa, nhưng đến chỗ làm việc là quần áo phủ màu trắng lốm đốm như hoa dâu. Ngay cả trạm y tế cũng phải lau chùi liên tục, nhưng không xuể. Cũng chính vì tình trạng bụi bặm khủng khiếp mà hầu hết cư dân ở đây đều mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, lao phổi, viêm phế quản, dị ứng…

Ông Nguyện cho rằng, trong 10 năm nay, ít nhất 100 người chết ung thư ở Tử Lạc.

Về tình trạng bệnh ung thư thì cả huyện Kinh Môn đều rất nghiêm trọng, nhưng Minh Tân là nơi bức xúc nhất, nhiều bệnh nhân ung thư nhất. Theo số liệu mà Trạm y tế Minh Tân có được, thì năm 2011, tình hình chết ung thư có giảm hơn so với những năm trước, nhưng cũng có tới 20 trường hợp chết vì căn bệnh này.  Đây chỉ là con số thống kê bề nổi. Chỉ những bệnh nhân đến trạm khám chữa, nhờ thay băng, tiêm moóc phin, thì trạm mới nắm được. Còn họ lên Hà Nội điều trị, rồi chết ở đó, hoặc về nhà chờ chết, thì trạm y tế không nắm được. Cũng theo ông Thiện, người dân nơi đây thường giấu bệnh, nên không thể biết hết được.

Ông Trần Văn Thiện và cuốn sổ theo dõi tử vong ở Minh Tân.

Tôi mở cuốn sổ thống kê những trường hợp chết ung thư năm 2011 ở Minh Tân do ông Thiện cung cấp, rồi so sánh với cuốn sổ ghi chép của tôi, cuốn sổ tử của ông Nguyễn Văn Nguyện (thôn Tử Lạc), thì thấy con số khá vênh. Có một số trường hợp chết ung thư vào năm 2011 ở Tử Lạc không có trong sổ thống kê của trạm y tế xã. Ông Thiện đã gọi điện cho trạm sơ cứu ở thôn Tử Lạc để xác thực thông tin. Và quả thực, có tới mấy trường hợp chết ung thư năm ngoái chưa được vào sổ. Như vậy, con số chết ung thư khoảng 20 người/ năm do trạm y tế thống kê là chưa đầy đủ. Ông Thiện cũng công nhận điều này. Cũng theo ông Thiện, số lượng chết ung thư nhiều nhất phải là thôn Bích Nhôi, sau đó đến Hạ Chiểu, rồi mới đến Tử Lạc. Sở dĩ, ông Thiện khẳng định điều này là vì hồi năm ngoái ông đã cùng cán bộ lập danh sách thống kê số người chết ung thư trong xã để cung cấp cho ông Nguyễn Thành Công, khi đó là Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, để ông này làm đề tài nghiên cứu về bệnh ung thư ở Kinh Môn.

Một trong số những túi chứa bụi ở Nhà máy xi măng Hoàng Thạch.

Nghe ông Thiện tuyên bố điều này, tôi thực sự choáng váng. Ngôi làng Tử Lạc, chết ung thư nhiều đến nỗi người ta gọi là Tử Tiệt, lại chẳng ăn thua gì so với hai ngôi làng ở phía Tây Nhà máy xi măng Hoàng Thạch là Bích Nhôi và Hạ Chiểu.  Ông Nguyện đưa ra con số ít nhất có 100 người chết ung thư ở Tử Lạc trong 10 năm trở lại đây và ít nhất 200 người chết trong tổng số 30 năm trở lại đây. Vậy còn làng Bích Nhôi, Hạ Chiểu, Hoàng Thạch, Đèo Gai của xã Minh Tân thì có bao nhiêu người chết, trong khi lượng người chết ở Tử Lạc còn ít hơn Bích Nhôi và Hạ Chiểu? Nếu cứ theo cái cách này mà suy diễn, thì trong 10 năm trở lại đây, Minh Tân có đến hàng trăm người chết vì căn bệnh quái ác này. Việc suy luận ra con số này không thể chính xác tuyệt đối, nhưng đem con số ấy hỏi người dân, thì chẳng mấy ai ngạc nhiên. Họ từng ngày sống trong khói bụi, từng ngày tiễn đưa những người chết ra nghĩa địa vì căn bệnh ung thư, nên họ mới hiểu chết ung thư ở vùng đất này khủng khiếp như thế nào.

Ông Đỗ Mai Côn cho rằng Nhà máy xi măng Hoàng Thạch đáp ứng mọi tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Trao đổi với người dân ở Minh Tân, hầu hết người dân đều đổ cho Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, khiến bệnh ung thư hoành hành. Để khách quan, tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà máy. Theo ông Đỗ Mai Côn, Trưởng phòng Kỹ thuật An toàn – Môi trường, Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, thì Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch là đơn vị đi đầu trong huyện về việc xử lý môi trường. Toàn bộ công nghệ xử lý bụi, nước thải đều tự động, khép kín. Dây chuyền xử lý bụi hoạt động từ năm 1993. Các dây chuyền đều đáp ứng yêu cầu, thậm chí lượng bụi thải ra đều dưới mức cho phép. Theo ông Côn, nếu xả bụi ra môi trường, thì mỗi giờ bay mất 9 tấn nguyên liệu xi măng, tức thiệt hại 5,4 triệu đồng/giờ, nên không tội gì xả bụi xi măng lên trời cả! Mỗi năm, đều có các cuộc đo quan trắc để kiểm tra tình hình ô nhiễm. Mỗi năm đo quan trắc không khí cách nhà máy 500m hai lần, và đo ống khói 4 lần một năm. Ngoài ra còn kiểm tra môi trường nước trong vùng. Rồi hàng năm, các cơ quan quản lý môi trường từ tỉnh đến trung ương đều làm việc vài lần, quản lý môi trường rất chặt chẽ.  Tình trạng người dân Tử Lạc và Minh Tân chết vì ung thư do nguyên nhân nào? Người dân đang rất cần câu trả lời của những người có trách nhiệm.

VTC News