Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho phóng viên hay, nguyệt thực nửa tối là hiện tượng Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, chỉ tối đi đôi chút và chuyển sang màu đỏ nhạt thay vì màu đỏ thẫm và tối như đối với nguyệt thực toàn phần hay một phần hoàn toàn tối.
Theo múi giờ Việt Nam, hiện tượng thiên nhiên này bắt đầu lúc 4 giờ 53 phút và kết thúc lúc 8 giờ 48 phút ngày 19/10. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Mặt Trăng sẽ lặn vào khoảng 5 giờ 30 phút, nên người yêu thiên văn chỉ có thể quan sát được giai đoạn đầu của nguyệt thực này. Khi ấy, Mặt Trăng nằm ở chân trời phía Tây.
Vẫn theo anh Sơn, cũng như nguyệt thực toàn phần hay một phần, người quan sát nguyệt thực nửa tối không cần dụng cụ bảo vệ và có thể quan sát bằng mắt thường. Hoặc, nếu có một kính thiên văn nhỏ, ống nhòm… sẽ giúp việc quan sát trở nên thú vị và rõ nét hơn.
Nguyệt thực nửa tối ngày 19/10 cũng sẽ là sự kiện nguyệt thực cuối cùng của năm 2013. Từ nay đến hết năm, người yêu thiên văn sẽ có cơ hội để quan sát mưa sao băng Orionids (đêm 21 và 22/10); mưa sao băng Leonids (đêm 17, rạng sáng 18/11); mưa sao băng Geminids (rạng sáng 14/12).