Dân trí đưa tin nhiều ngày qua, những người dân ở đường Nguyễn Trung Trực, phường 2, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) nghe tiếng kêu yếu ớt của một cụ già trong căn nhà số 167, đường Nguyễn Trung Trực. Nhiều người tò mò lại gần thì thấy cửa khóa bên ngoài, nhìn vào trong nhà thấy một cụ già không mặc quần, nằm trên một bộ ngựa (phản), hai tay chắp vào nhau kêu cứu, kêu đói...
Một cháu bé bán vé số nói: “Tụi con nhìn qua cửa kính, thấy bà nằm ngửa, tay đang cầm một cái tã đưa lên miệng cắn, rất tội nghiệp...”.
Một người dân ở lối xóm cho biết: “Bà lão ở một mình, không ai biết tên bà cả. Trước đây, có một cô gái ở với bà, nhưng nhiều ngày qua không thấy cô gái này nữa. Những ngày trước, cháu bà mở cửa đưa cho bà chai sữa rồi đóng cửa đi. Ngày hôm qua (6/7), thấy có con trai bà tới mở cửa, đưa cho bà một chai sữa Ensure để bà uống”.
Theo nhiều người dân, bà lão hiện đã ngoài 90 tuổi, đang bị bệnh tiểu đường rất nặng lại phải nằm một chỗ, không được tắm rửa, thay quần áo nên bị lở nhiều trên thân thể.
Một người nói: “Nếu con bà bận làm ăn thì gửi chìa khóa cửa cho lối xóm để bà con chạy qua chạy lại thăm bà, lỡ có chuyện gì còn cứu kịp”.
Theo người dân, bà lão này có một người con trai hiện là chủ một đại lý vé số lớn ở phường 1 (TP Sóc Trăng).
Theo công an phường 2, sau khi nhận tin báo của quần chúng, cảnh sát khu vực đã xuống kiểm tra và xác nhận đúng như phản ánh của người dân. Làm việc với con trai của bà, ông này cho biết, ông cũng tính đưa bà về ở chung bên phường 1 nhưng bà không chịu đi nên phải thuê người chăm sóc bà, mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng nhưng mới đây người giúp việc không làm nữa, bây giờ ông đang kiếm người nhưng chưa ai tới.
Chưa bao giờ câu chuyện về chữ hiếu lại trở nên bất cập như ở Việt Nam hiện nay, trước đó, tháng 9/2012, dư luận cả nước đã phẫn nộ trước câu chuyện con cái đẩy bố bị bệnh ra ngoài đường. Cả đời sống vì con, sinh thành và nuôi dưỡng 4 người con thành đạt, học hành vẻ vang nhưng tới cuối đời, ông N.V.N. (Ba Đình, Hà Nội) đành bất lực nhìn các con đưa mình ra nằm vỉa hè trong sự xót thương của hàng xóm và người qua đường.
Con cái ông N. đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha già từ con dâu trưởng đến con gái. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi công chúng lần lượt chứng kiến con ông khoe nghề, khoe bằng cấp. Các con của ông N. đều được học hành thành đạt, có công ăn việc làm ổn định, người làm bác sĩ, người bảo hiểm, có cả trong ngành giáo dục. Hiện nay, xã hội càng hiện đại bao nhiêu dường như chữ hiếu càng phai nhạt bấy nhiêu.