TIN TỨC » Tin trong ngày

'Con ơi, mẹ không có tiền' - người mẹ nhảy từ tầng 5 tự vẫn khi bị con trai hối thúc tiền lấy vợ khiến cộng đồng mạng mạng tranh cãi

Thứ sáu, 06/11/2020 19:12

Sau khi đòi cha mẹ vay 1 tỉ để mua nhà lấy vợ, người con trai này vẫn thúc ép mẹ phải cho mình tiền sính lễ theo đúng ý nhà gái. Trong phút tuyệt vọng, người mẹ đã nhảy từ tầng 5 tự vẫn.

Tại quận Nam Khai, Thiên Tân, Trung Quốc đã từng xảy ra một vụ việc gây chấn động dư luận. Một người đàn ông khi đến 30 tuổi đã quyết định đi đến hôn nhân với người bạn gái của mình. Điều đáng nói là nhà gái mong muốn chàng rể phải có một căn nhà và số tiền sính lễ 60.000 tệ (khoảng 210 triệu đồng) - đây là điều nằm ngoài khả năng của chàng trai.

Vụ việc người mẹ nhảy từ tầng 5 tự vẫn vì con trai thúc ép đòi tiền sính lễ lấy vợ đã gây xôn xao dư luận

Anh không có khả năng tự mua nhà, nên bố mẹ anh đã lấy ra gần hết số tiền tiết kiệm được và vay 300.000 tệ (khoảng 1 tỉ đồng) để mua nhà làm sính lễ cho con trai.

Nhưng người con trai này vẫn chưa hài lòng. Sau bao năm làm việc, anh cũng không tích cóp được bao nhiêu, vì vậy anh lại xin bố mẹ 60.000 tệ tiền sính lễ còn lại.

Gia đình đã nợ nần chồng chất để mua cho anh một căn nhà cưới, giờ không còn khả năng giúp con tiền sính lễ nữa, nhưng cậu con trai không hề nghe lời mẹ kiên nhẫn giải thích. Cứ vài ngày lại chạy về nhà để đòi tiền, thậm chí anh còn gây khó dễ cho bố mẹ trong nhiều ngày.

Người mẹ thực sự không kìm được mà khóc nói: "Con ơi, mẹ hết tiền rồi, con định ép mẹ chết đi mới được hay sao!". Nhưng ngay cả khi đó, cậu con trai vẫn dửng dưng nói: “Vậy thì bà đi chết đi” mà không mảy may có cảm giác áy náy nào.

Nghe những lời nói của con trai, người mẹ bị hành hạ đến tuyệt vọng. Trong lòng trở nên lạnh lẽo, không chần chừ gì nữa, bà đã nhảy xuống từ cửa sổ tầng 5, kết thúc cuộc đời đầy đau đớn.

Vụ việc đã gây xôn xao và khiến cộng đồng mạng phẫn nộ lẫn thương tâm. Bên cạnh những bình luận chỉ trích người con trai, nhiều cư dân mạng cảm thấy rằng sự bất hiếu này không thể có từ ngày một ngày hai, mà phải bắt đầu từ rất lâu trước đó. Những vụ việc đau lòng như vậy vẫn xảy ra, nhưng bên cạnh tội lỗi của đứa con, điều khiến nhiều người suy ngẫm chính là trách nhiệm của cha mẹ ở đâu trong việc giáo dục con cái?

Thông thường, những người trưởng thành sau khi bước vào xã hội nên tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, với áp lực ngày càng cao của xã hội, để những đứa con có thể tự sức mình mua được một căn nhà thực sự rất khó khăn và ít nhiều cũng cần sự giúp đỡ của cha mẹ.

Vấn đề rõ ràng không phải ở việc cha mẹ hỗ trợ con cái đến đâu, mà là cách giáo dục của gia đình đã hình thành cho đứa con tư tưởng ra sao về mối quan hệ cho - nhận giữa cha mẹ và con cái.

Ngày nay, có thể thấy rất nhiều hình ảnh những đứa con vô tư tận hưởng sự cung phụng của cha mẹ như một lẽ đương nhiên, khiến người ngoài nhìn vào chỉ biết bức xúc lắc đầu

Câu chuyện nam sinh nhà nghèo đòi mẹ mua SH đã từng khiến cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao

Cô gái 20 tuổi cầm ô đứng bên lề đường, mưa làm ướt giày, mẹ cô ngồi xổm đánh giày cho con gái

Cô gái dường như đã quá quen với hoàn cảnh này, không chỉ nhìn mẹ mình dầm mưa mà còn trách móc mẹ chậm chạp. Mẹ cô không phản ứng gì, và sau khi đánh giày, cả hai cùng nhau rời đi, đi mua sắm như bình thường.

Nhiều người bức xúc với thái độ của cô gái, nhưng câu hỏi đặt ra là: "Từ đâu mà những đứa con lại có thái độ coi sự hy sinh của cha mẹ là lẽ đương nhiên?".

1. Cha mẹ nuông chiều con cái

Ngày nay, các gia đình hiện đại ít con hơn, điều này khiến con cái được cha mẹ coi như báu vật trong tay, "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa".

Ở nhà, hầu hết mọi việc đều do bố mẹ làm, con cái chỉ cần lo học là được. Chưa nói đến việc giặt quần áo, rửa bát và nấu ăn, có những đứa trẻ còn để cha mẹ phải gấp cho mình từng bộ quần áo, chỉ cần vắng mẹ một ngày thì không thể sinh hoạt bình thường nổi.

Dù đã trưởng thành về ngoại hình nhưng những đứa trẻ như vậy non nớt về suy nghĩ, thiếu khả năng sống độc lập, khi gặp khó khăn sẽ chỉ nhờ bố mẹ giúp đỡ.

Một khi sự phụ thuộc này đã hình thành thì rất khó xóa bỏ, trách nhiệm chính thuộc về cha mẹ. Giống như trong câu chuyện cho kẹo, một đứa trẻ nếu ngày nào bạn cũng cho nó một viên kẹo, một ngày bạn không cho, nó sẽ thấy khó chịu với bạn. Những đứa con đã quen được chiều chuộng sẽ thấy đây là điều bố mẹ dĩ nhiên phải làm cho mình, và phụ huynh cũng không thể đòi hỏi những đứa trẻ phải tự biết trách nhiệm của bản thân.

2. Suy nghĩ "mình đã khổ, không muốn con phải khổ"

Những bậc phụ huynh của thế hệ trước có hoàn cảnh khó khăn, lớn lên trong vất vả, nhiều người không muốn điều này lặp lại ở con mình. Tuy nhiên thay vì tập trung giáo dục để con có thể tự vươn lên, họ lại muốn đỡ cho con bất cứ thứ gì khó khăn, mệt nhọc.

Nhưng đứa trẻ không chịu khổ, sẽ không bao giờ có thể trưởng thành. Sau khi quen với việc dễ dàng, những đứa trẻ này sẽ không còn chăm chỉ nữa, chuyện ỷ lại vào cha mẹ lúc này sẽ là lẽ đương nhiên.

3. Người trẻ đánh giá bản thân quá cao

Nhiều người trẻ tuổi hiện nay có xu hướng "kén cá chọn canh", cảm thấy rằng họ sẽ có thể tìm được một công việc tốt sau khi học xong đại học, nên thường chê bai những công việc mà họ cho rằng không đủ "hot" hay thời thượng.

Việc quá chú trọng đến hào nhoáng bề ngoài khiến nhiều người trẻ tuổi khó khăn hơn trong tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. "Tôi có bố mẹ ở nhà, vậy tại sao lại đi ra ngoài chịu khổ? Nếu không có công việc phù hợp, tôi sẽ không bao giờ làm". Nếu được sự ủng hộ của cha mẹ, những đứa con có suy nghĩ ỷ lại này sẽ ngày càng trở nên thiếu thực tế về cuộc sống. Khi không tự lập được, con cái sẽ càng dựa dẫm, tạo thành một vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt.

"Nước mắt chảy xuôi" là một câu nói vẫn thường được nhắc đến khi nói về mối quan hệ cha mẹ và con cái. Những bậc sinh thành thường không kỳ vọng con cái sẽ đáp lại mình thế nào, mà chỉ một lòng muốn hy sinh, cho con những gì tốt nhất.

Thế nhưng không phải đứa trẻ nào cũng sẽ biết ơn công lao ấy, hay nói đúng hơn, biết ơn không phải điều nghiễm nhiên có được, mà phải trải qua một quá trình dạy dỗ đúng đắn. Trong xã hội ngày càng phát triển, điều kiện sống dần tốt hơn, đây chính là một thử thách không hề đơn giản cho các bậc phụ huynh thời hiện đại.

Minh Tâm (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới