Vua Đinh Tiên Hoàng có ba con gái: Công chúa Minh Châu, công chúa Phất Ngân và công chúa Phất Kim. Công chúa Minh Châu được vua Đinh gả cho tướng Trần Thăng, em ruột sứ quân Trần Lãm - người đã trao nhường toàn bộ binh quyền Bố Hải Khẩu cho Đinh Bộ Lĩnh. Công chúa Phất Ngân sau này lấy Điện Tiền Chỉ huy sứ Lý Công Uẩn - người thay nhà Tiền Lê, sáng lập nên triều Lý vẻ vang trong lịch sử. Còn công chúa Phất Kim thì lấy sứ quân hàng đầu dòng dõi quý tộc Ngô Nhật Khánh.
Cô công chúa cưới chồng chỉ vì nghe lời vua cha
Đinh Tiên Hoàng, sinh ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (tức 22/3/924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Ông trị vì 968-979, húy là Đinh Bộ Lĩnh. Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Và trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp.
Là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế: Thời kỳ phục quốc của Việt Nam, từ họ Khúc chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng vương và tới vua Đinh xưng làm hoàng đế.
Sau hai vua nhà Tiền Lý xưng đế giữa thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước hoạ ngoại xâm, 400 năm sau người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh - Lê - Lý - Trần và buộc các điển lễ, sách phong của cường quyền phương Bắc phải công nhận là một nước độc lập. Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các Vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Hoàng đế như một dòng chính thống.
Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, vì thế mà ông còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử. Nhưng với việc cai quản hậu cung thì không mấy anh minh, nhất là việc cai quản các Hoàng tử và chuyện hôn nhân của các công chúa đều được vua cha áp đặt theo kiểu cha đặt đâu con ngồi đấy.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: "Ngô Nhật Khánh là bà con của Ngô Tiên Chúa (tức Ngô Quyền). Trước kia, (Ngô Nhật Khánh) từng xưng là An Vương, cùng trong số mười hai sứ quân giữ đất tranh hùng. Khi Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp được (Ngô) Nhật Khánh rồi, bèn lập mẹ của hắn làm hoàng hậu, hỏi em gái của hắn cho con mình là Nam Việt Vương (Đinh) Liễn, lại gả công chúa cho hắn nữa, thế mà Ngô Nhật Khánh vẫn không bớt oán hờn...".
Vì biết rõ sứ quân họ Ngô vẫn nuôi chí phục thù, mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô đã đổ nát từ những năm trước, nên để thu phục Nhật Khánh, vua Đinh đã khéo léo sắp xếp cho con gái út Phất Kim tiếp cận... và rồi chuyện nào đến ắt đến. Anh hùng khó qua ải mỹ nhân! Ngô Nhật Khánh lập tức "trúng" sét ái tình, trở nên mê đắm công chúa.
"Tướng quân Ngô Nhật Khánh là người thao lược vào bậc nhất nhưng chưa thực sự tận trung vì sự nghiệp của cha, giặc Tống và Giặc Chiêm đang lăm le bờ cõi, nếu được Nhật khánh giúp thêm vây cánh thì Đại Cồ Việt ta còn gì bằng... Cha muốn con ưng thuận lời thỉnh cầu của Nhật Khánh, để lấy tình phu phụ thuyết phục Nhật Khánh giữ trọn đạo hiếu trung", vua Đinh dạy bảo công chúa.
Phất Kim nghe lời vua cha, liền nhận lời cầu hôn của sứ quân họ Ngô. Trong những ngày tháng đầu kết phu phụ, Nhật Khánh đã sống hạnh phúc với Phất Kim và không có ý định tạo phản...
Bị xẻo má vì khuyên chồng không làm phản
Một hôm, sau khi nhận được mật thư của vua Chiêm thông báo sẵn sàng chu viện binh lính đánh Đại Cồ Việt để khôi phục cơ đồ, Ngô Nhật Khánh đem vợ chạy sang Chiêm Thành. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Ngô Nhật Khánh dẫn vợ là công chúa của Đinh Tiên Hoàng đi trốn. Tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay), hắn rút dao bên mình ra, xẻo má vợ mà kể tội: Cha mày đã lừa gạt để ức hiếp mẹ con ta. Ta có đâu lại vì mày mà bỏ qua tội ác của cha mày. Thôi, mày hãy trở về, ta sẽ một thân một mình đi tìm ai có thể cứu được ta đây...". Nói xong, vị phò mã của vua Đinh sang thuyền chiến cạnh đó hối thúc quân chèo, bỏ lại lâu thuyền công chúa và những nữ hầu.
Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men, tuy vết thương trên mặt đã lành, nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng là tướng quốc, là phò mã, mà lại theo giặc ngoại bang để chống lại vua cha. Cuối cùng, công chúa út đã xuống tóc, đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư.
Thế nhưng, họa vô đơn chí! Trong lúc nỗi đau đớn tuyệt vọng lên đỉnh điểm thì vua cha và anh cả Đinh Liễn lại bị nghịch thần là Đỗ Thích sát hại. Lê Hoàn cùng hoàng hậu Dương Vân Nga lên làm nhiếp chính. Giữa lúc ấy, Phất Kim lại nghe tin Ngô Nhật Khánh và vua Chiêm Thành dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thuỷ quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt thì bị phong ba nổi lên, nhận chìm hết cả thuyền bè và bị chết đuối. Công chúa càng trở nên đau đớn, xót xa và tủi nhục đến tuyệt vọng. Bà nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn.
Đền thờ Công chúa Phất Kim, còn gọi là đền Thục Tiết công chúa, là ngôi đền nhỏ, nằm trong khu dân cư thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đền nằm chính giữa, cách đền Vua Lê Đại Hành và phủ Vườn Thiên 300m. Cái giếng bà nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền.
Đoạn cuối đời bi thảm của nàng công chúa triều Đinh khiến nhiều người đời sau thương cảm. Nhưng cái chết của nàng càng chứng tỏ sự trung trinh đáng ca ngợi của người con gái Việt Nam, dù nàng được sinh ra trong gia đình Hoàng tộc bậc nhất thời bấy gờ những vẫn quyết giữ lấy lề thói văn hoá. Thế mới biết, ở đời dù bậc danh gia vọng tộc đến thường dân, đôi khi vẫn đứng giữa hai dòng nước, bên tình, bên nghĩa khó mà vẹn toàn. Còn nàng Phất Kim, nguyện vì vua cha mà chịu cực hình bị xẻo má. Cũng để giữ hai tiếng trung trinh với chồng mà chọn cái chết, đó là tấm gương để người đời sau tôn thờ, ca ngợi.